Trên địa bàn huyện hiện có 650 ha cây ăn trái, chủ yếu là măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh. Huyện đang đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp với phát triển du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền; thực hiện mô hình thâm canh cây có múi đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại 2 xã Minh Hòa, Minh Thạnh. Địa phương cũng khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 110ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng liên doanh với Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I thực hiện dự án đầu tư trồng chuối cấy mô tại xã Thanh An với diện tích 95ha; diện tích còn lại do người dân thực hiện. Sinh vật cảnh được huyện Dầu Tiếng ưu tiên phát triển. Các loại sinh vật cảnh được phát triển phổ biến hiện nay là hoa lan, cá cảnh, kiểng, bon sai. Để phát triển những mô hình này, huyện đã thành lập hội sinh vật cảnh, tập hợp những nghệ nhân có kinh nghiệm. Giá trị sản xuất sinh vật cảnh của huyện đạt 900 triệu đồng - 1,1 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận 600 triệu đồng/ha/năm.
Hiện nay, huyện Dầu Tiếng tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng. Giải pháp đã có, vấn đề là cần sự vào cuộc quyết tâm, đồng bộ hơn nữa các cấp, các ngành và đặc biệt là người dân trong huyện, nhằm tạo ra sự bứt phá cho ngành nông nghiệp.
HỒNG NGA