Huyện Dầu Tiếng: Nỗ lực xây dựng một miền quê đáng sống

Cập nhật: 03-06-2024 | 08:28:39

Hình ảnh những con đường bê tông, trải nhựa phẳng lỳ, sạch đẹp, lưu thông thuận lợi, nhà cửa ngày càng khang trang, bờ rào hoa nở, vườn cây ăn trái xanh ngát trải dài... cho thấy cuộc sống miền quê Dầu Tiếng đang ngày càng sung túc, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh.

 Diện mạo nông thôn huyện Dầu Tiếng ngày càng khởi sắc. Trong ảnh: Tuyến đường Lò Bún, ấp Tân Tiến, xã Minh Tân khang trang, sạch đẹp

 Giàu sức sống mới

Đến ấp Tân Tiến, xã Minh Tân hôm nay nhận thấy làng quê khó khăn ngày nào đã thay da đổi thịt. Dẫn chúng tôi đi trên con đường Lò Bún được trải thảm bê tông phẳng lỳ, hai bên đường hoa mào gà tươi thắm đỏ rực, chị Lê Thị Năm, người dân sinh sống trên tuyến đường tự hào khoe: “Không chỉ con đường này, trên địa bàn xã còn rất nhiều tuyến đường hoa đẹp. Cảnh quan làng xóm giờ đây thay đổi rất nhiều so với vài năm về trước. Đường sá đều rộng rãi, cứng hóa, ban đêm đèn điện sáng trưng, người dân đi lại thuận tiện”.

Ông Nguyễn Tiến Điệu, Trưởng ban Điều hành ấp Tân Tiến, cho biết: “Toàn ấp có 9 tuyến đường giao thông nông thôn đều đã được cứng hóa, trong đó có 3 tuyến được trải nhựa nóng, còn lại là bê tông hóa, 5 tuyến đường đã thực hiện trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, 95% người dân tại ấp đã sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Diện mạo ấp đổi thay, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, ai ai cũng phấn khởi”.

Không riêng xã Minh Tân, xã Minh Thạnh cũng đang nỗ lực xây dựng miền quê đáng sống. Ông Thái Văn Kiệm, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Từ khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đến nay bức tranh nông thôn Minh Thạnh đang ngày càng khởi sắc. Những ngôi nhà mới khang trang, các tuyến đường bê tông hóa, nhựa hóa trải dài, rộng rãi đến từng ấp, từng ngõ xóm, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống”.

Diện mạo hầu khắp nông thôn Dầu Tiếng khởi sắc mỗi ngày chính là nhờ công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường như với các hoạt động trồng hoa, cây xanh, thu gom xử lý rác thải... Bên cạnh đó, huyện tiếp tục cung ứng cây lâm nghiệp (sao, dầu) cho các xã, các cơ quan, đơn vị trồng ven các trục lộ giao thông và các công trình công cộng góp phần nâng cao tỷ lệ cây xanh trên địa bàn huyện.

Theo lãnh đạo huyện, trong năm 2023, huyện tiếp tục nâng cấp, sửa chữa 14 tuyến đường, tổng chiều dài 42km. Đến nay, 99/100 tuyến đường do huyện quản lý được nhựa hóa; 100% đường do xã quản lý được cứng hóa, trong đó có trên 47% tuyến đường được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng, bảo đảm phương tiện đi lại thuận tiện quanh năm. Các tuyến đường mới đầu tư đều được trang bị một số hạng mục cần thiết như biển báo, chiếu sáng… bảo đảm sáng - xanh - sạch - đẹp.

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Theo ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, công tác phát triển sản xuất, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được UBND huyện quan tâm và tập trung chỉ đạo. Các mô hình phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực, mô hình ứng dụng nông nghiệp kỹ thuật cao, hữu cơ, sinh thái được thực hiện hiệu quả. Huyện khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi, truy xuất được nguồn gốc nông sản.

Đến nay, diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt của huyện đạt trên 850 ha. Người nông dân, các cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trong trồng cây ăn trái, kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp, trồng rau trong nhà lưới, nhà màng... Một số loại cây trồng có giá trị mang lại hiệu quả cao, như: Bưởi, cam, quýt, sầu riêng, chuối cấy mô, hoa lan...

Điển hình như mô hình chuối cấy mô được Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng liên kết với Công ty Cổ phần U&I đầu tư tại xã Thanh An và Minh Tân, với tổng diện tích đang thu hoạch khoảng 290 ha, doanh thu ước đạt 820 triệu đồng/ha/năm, sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng cung cấp cho thị trường nước ngoài. Ngoài ra, diện tích ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi đạt trên 170 ha với các dự án chăn nuôi gà, heo theo mô hình khép kín, bền vững. Công nghệ chăn nuôi tiên tiến đã được áp dụng như hệ thống chuồng kín, chuồng lồng, hệ thống làm mát, máng ăn, máng uống tự động, sử dụng đệm lót sinh học…

Việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, đáp ứng tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM cho các địa phương. Ông Thái Văn Kiệm, Chủ tịch UBND xã Minh Thạnh, cho biết thêm: “Xã luôn xác định tiêu chí thu nhập là vô cùng quan trọng, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa các cây, con giống mới năng suất cao vào sản xuất, nâng cao thu nhập”.

 Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng: Thời gian tới, huyện tập trung đẩy mạnh thực hiện xây dựng NTM nâng cao hướng tới mục tiêu NTM kiểu mẫu, phát triển nông thôn bền vững. Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng cao, từng bước giảm dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Huyện phấn đấu năm 2024 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt từ 88 triệu đồng/người/năm trở lên.

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=516
Quay lên trên