Ba năm trước, khó ai có thể hình dung vào lúc nào đó Altis bị mất vị thế dẫn đầu trong phân khúc sedan hạng trung (cỡ C). Nhưng viễn cảnh đó đang là hiện thực. Sáu tháng đầu 2016, Altis không còn nằm trong danh sách bán chạy nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và để hai đối thủ Mazda3, Kia K3 vượt mặt.
Khó khăn với Altis sẽ lớn hơn khi ngày 13/7, Hyundai Thành Công trình làng Elantra thế hệ thứ 6 và là thị trường đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương lắp ráp mẫu xe này. Lãnh đạo của Hyundai tự tin vào khả năng thành công khi đặt ra mục tiêu bán 500 xe mỗi tháng, gấp rưỡi mức trung bình của Altis. Một tham vọng không nhỏ.
Lý do của tự tin là nhu cầu khách hàng đã thay đổi rất nhiều. Người đủ tiền mua xe hạng C giờ đây không phải các trung niên 40 sau nửa đời tích góp. Tầng lớp này giờ chỉ mới 30, công việc tốt, năng lực tốt và tài chính tốt. Họ chọn xe không vì giữ giá mà hơn hết là thiết kế cá tính trẻ trung, nhiều tính năng hợp thời và đặc biệt là giá đúng tầm cố gắng.
Elantra hội tụ gần đủ những điều đó. Thiết kế theo triết lý điêu khắc dòng chảy, đúng xu thế khi hao hao kiểu coupe 4 cửa mà các hãng Đức sáng tạo nên. So với Altis, Elantra mượt mà, giàu tính khí động học và năng động hơn hẳn. Vành đúc 17 inch thể thao, đèn pha projector dạng HID và khe gió rất điệu đà ở cản trước. Tuy nhiên, nếu đặt cạnh Mazda3 thì Elantra còn bị cân nhắc nhiều bởi chưa hẳn bứt phá.
Nội thất là điểm hụt hơi duy nhất trong bảng đánh giá ban đầu về Elantra. Không gian hẹp hơn tưởng tượng và thiếu những điểm nhấn về tính sang trọng. Hầu hết là chi tiết nhựa, ít bóng bảy như phong cách Hyundai vài năm trước đây. Ngôn ngữ nội thất cũng chưa rõ ràng và thống nhất về xu hướng. Thể thao, sang trọng hay thực dụng?
Bù lại, Hyundai rất hiểu khách hàng Việt Nam khi trang bị hầu hết những tính năng được chờ đón. Đầu tiên là hệ thống dẫn đường tích hợp sẵn bản đồ Việt Nam sau vài năm thử nghiệm. Điều hòa tự động hai vùng độc lập, điều khiển hành trình, đàm thoại rảnh tay bluetooth. Elantra cũng là mẫu xe đầu tiên cho tài xế tùy chọn 3 chế độ lái Tiết kiệm (Eco), Bình thường (Normal) và Thể thao (Sport) nhằm tăng cảm xúc khi lái.
Chìa khóa thông minh có thêm chức năng tự mở gương và sáng đèn tay nắm khi tới gần. Chi tiết thú vị nữa là khi đứng gần 3 giây, cốp sẽ tự mở cho tình huống phải dùng cả hai tay bê đồ. Xe có thêm cửa gió điều hòa cho hàng ghế sau.
Tất cả các phiên bản đều có cảm biến sau, camera lùi, màn hình cảm ứng trung tâm 7 inch, gạt mưa và đèn pha tự động. Trên bản cao cấp nhất còn có cảm biến áp suất lốp, cửa sổ trời, ghế chỉnh điện 10 hướng tích hợp sưởi và hỗ trợ khởi hành ngang dốc.
Giống người anh em Kia K3, Hyundai Elantra có hai phiên bản động cơ 1.6 Gamma và 2.0 Nu. Bản động cơ 1.6 I4 có công suất 128 mã lực tại vòng tua máy 6.300 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 155 Nm tại 4.850 vòng/phút. Trong khi đó động cơ 2.0 Nu có công suất 156 mã lực tại 6.200 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 196 Nm tại 4.000 vòng/phút.
Elantra chia thành 3 phiên bản, gồm 1.6MT lắp số sàn 6 cấp. Hai bản 1.6AT và 2.0AT lắp hộp số tự động 6 cấp.
Hệ thống an toàn gồm chống bó cứng phanh ABS, phân bổ lực phanh điện tử EBD, hỗ trợ phanh khẩn cấp BA. Bản cao cấp nhất 2.0AT có thêm cân bằng điện tử ESC. Khách hàng có thể chọn 6 màu đỏ, trắng, đen, bạc, vàng cát, xanh.
Mức giá cho 1.6MT là 615 triệu đồng. Bản 1.6AT giá 689 triệu đồng và bản cao cấp nhất 2.0AT giá 739 triệu đồng. Cách định giá này giúp Elantra thấp hơn từ 100 triệu đến 200 triệu đồng so với Altis, một khoảng cách khiến những người trẻ, vốn có khả năng đổi nhiều xe trong tương lai, không cần mất nhiều cân nhắc.
So với Kia Cerato, Hyundai đặt giá cho Elantra cao hơn 3-10 triệu đồng cho từng bản. Dù chung hãng mẹ nhưng Hyundai luôn đặt mình cao hơn so với Kia nên giá cũng đắt hơn.
Cuối cùng là bài toán cạnh tranh với Mazda3. Hyundai bán rẻ hơn 50-110 triệu đồng nhằm thu hút những người đang còn phân vân với sự cố đèn check engine của Mazda3, cũng như tận dụng tính mới mẻ của sản phẩm mới trình làng.
>> Ảnh chi tiết