Kể chuyện xưa dưới bóng cây măng đại thụ

Cập nhật: 18-10-2022 | 08:23:42

Những ngày giao mùa thu - đông chúng tôi lại có dịp tìm về những miền quê để ghi nhận khoảnh khắc cuộc sống bình yên. Trong một chuyến công tác đến huyện vùng xa Dầu Tiếng, chúng tôi có cơ duyên được lắng nghe những điển tích về nguồn gốc của những cây măng cụt đang là đặc sản của vùng đất này…

 

Ông Nguyễn Vũ Quang Tuân (phải) và ông Nguyễn Văn Tỵ bên cây măng đại thụ hơn 100 năm tuổi ở ấp Bưng Còng, xã Thanh Tuyền

 Từ những cây măng đầu tiên…

Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Thanh Tuyền (huyện Dầu Tiếng), chúng tôi tìm đến nhà của ông Nguyễn Vũ Quang Tuân, ấp Bưng Còng, xã Thanh Tuyền, nơi có cây măng đại thụ in đậm dấu ấn thời gian. Tiếp chúng tôi trong khuôn viên vườn nhà sum suê màu xanh của cây cỏ, ông Tuân điềm tĩnh pha ấm trà rồi kể lại những chuyện xưa. Trong tiết trời se lạnh, chúng tôi cùng những người nông dân lời lẽ chân chất, mộc mạc ngược dòng thời gian để tìm về lịch sử của vùng đất, con người nơi đây.

Thuở ấy, Bưng Còng là vùng trũng sình lầy bao ngập lối đi. Trong những chuyến di cư theo con nước mưu sinh, ông cố và ông sơ của gia đình ông Tuân (gốc Trà Vinh) thấy vùng đất này được dòng sông Sài Gòn thơ mộng bồi đắp khá nhiều phù sa nên đã quyết định chọn ở lại khai phá. Kể từ đó, kiếp sống lênh đênh trên ghe thuyền của gia tộc đã chấm dứt, mở ra thời kỳ mới với nhiều dấu ấn, thành tựu phát triển nghề nông ở vùng đất Thanh Tuyền ngày nay.

Ông Tuân cho biết, sau nhiều lần đi về quê cha đất tổ, ông cố, ông sơ đã thử mang một ít cây giống măng cụt từ xứ Trà Vinh lên trồng thử ở vùng đất mới. Chỉ vài ngày sau khi hoàn thành công cuộc khai phá, vùng đất hoang sơ ngày nào đã được trang điểm bằng một hàng cây măng cụt nhỏ xinh. Đó cũng là tiền đề để hình thành nên xứ măng cụt nức tiếng gần xa cho vùng đất Dầu Tiếng hôm nay.

Sau khi nhâm nhi xong ly trà nóng ấm, chúng tôi theo chân ông Tuân để mục sở thị cây măng đại thụ trong vườn nhà. Băng qua những hàng măng tràn đầy sức sống được trồng ngăn nắp, sạch đẹp chúng tôi bắt gặp cây măng đại thụ đứng uy nghi, sừng sững, trầm mặc với thời gian. Cây măng có đường hoành (chu vi thân cây) khoảng 1,7m, cao khoảng hơn 6m, tán rộng khoảng 20m2 này được người dân địa phương khẳng định là cây măng có tuổi đời lâu nhất ở Thanh Tuyền ngày nay. Cây măng này được người dân địa phương xem là một trong những giá trị bảo chứng lịch sử quan trọng trong vùng.

Trải qua hơn 100 năm, cây măng đại thụ trong vườn nhà ông Tuân giờ đây chỉ còn phần vỏ và một lớp thân cây mỏng bên ngoài còn mang sự sống. Theo đánh giá của các lão nông có nhiều năm chăm sóc măng cụt địa phương thì phần lõi và bộ rễ chính của cây đã bị thối rữa. Hiện tại, cây măng đại thụ này chỉ sử dụng bộ rễ phụ để hút nước, dinh dưỡng, thông qua lớp vỏ sần sùi để cung cấp dưỡng chất duy trì sự sống cho cành, lá chứ không còn đủ sức để tiếp tục phát triển.

Ông Tuân cho biết, tuổi thơ của ông trải qua một cách êm đềm và trọn vẹn với những kỷ niệm đẹp bên vườn măng của gia đình. Theo đó, vào những năm đầu khi hòa bình vừa lập lại trên quê hương, ông và những người anh em, bạn bè của mình đã có khá nhiều kỷ niệm bên hàng măng đại thụ. Hàng măng có hệ thống nhánh khá lớn, cứng cáp nên thời đó ông Tuân thường rủ bạn bè trong ấp trèo lên cây hái những trái chín bóc ăn xong thì chuyền cành từ cây này qua cây khác tiếp tục thưởng thức những trái chín ngọt lành. Cũng vì thế mà ông Tuân có đến 4 lần té cây nhớ đời…

Đến vùng trồng mới hôm nay

Trải qua sự kiểm chứng của thời gian, ba của ông Tuân thấy giống măng cụt có sức sống mãnh liệt và cho quả ngon ngọt, đặc biệt là dù thi thoảng bị ngập từ 10 ngày đến nửa tháng nhưng cây vẫn sống khỏe, sống tốt nên gia đình ông tiếp tục ươm giống từ những cây đại thụ để phát triển vườn măng. Hiện nay, gần 30 gốc măng cụt trưởng thành có tuổi đời từ 30 - 40 năm trong vườn nhà của gia đình ông Tuân đều là giống được ươm từ những cây măng đại thụ năm nào. Theo lời kể của gia đình thì giống này có tốc độ sinh trưởng, phát triển khá chậm, nhưng sức sống thì rất mãnh liệt, đặc biệt là trái ăn ngọt thanh, dịu êm.

Đó cũng là lý do khiến vườn măng của gia đình ông Tuân thường bán hết sạch trước khi vụ mùa bắt đầu. Phần lớn số măng thu được đều giao cho những mối khách hàng đặt mua ăn, biếu tặng từ trước chứ không dư để bán ra thị trường bên ngoài. Ông Tuân nhẩm tính, sau khi trừ chi phí và phần măng để lại ăn, biếu tặng thì tổng thu nhập của gia đình khoảng hơn 30 triệu đồng/năm, một nguồn thu khá lý tưởng đối với khu vườn có diện tích khiêm tốn, chỉ khoảng 600m2.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tỵ, nông dân sản xuất giỏi cấp quốc gia - một chuyên gia lâu năm về giống cây măng cụt, cho biết vùng đất Thanh Tuyền nói riêng và khu vực ven sông Sài Gòn nói chung có khả năng trồng cây măng cụt sống đến vài trăm năm nếu chăm sóc tốt. Đây là một luận điểm quan trọng bởi theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tuổi thọ trung bình của cây măng cụt ở những xứ khác khoảng từ 20 - 30 năm là cây chết, buộc phải thay thế cây mới. Và sự trường tồn cùng thời gian của cây măng đại thụ trong vườn nhà ông Nguyễn Vũ Quang Tuân là một minh chứng cụ thể.

Ngồi lắng nghe những chia sẻ chân chất, mộc mạc của những người nông dân, chúng tôi nghĩ đến chính sách phát triển vùng cây ăn trái đặc sản gắn liền đề án du lịch sinh thái mà tỉnh và các địa phương lưu vực các con sông đang thực hiện. Trong khi những vùng đất trù phú ven sông Đồng Nai được ưu tiên phát triển các vườn cây có múi như bưởi, cam, quýt… thì các địa phương lưu vực sông Sài Gòn được khuyến cáo phát triển giống măng cụt. Kết quả nghiên cứu, khảo sát của ngành nông nghiệp cho thấy, hiện nay vùng đất ven sông Sài Gòn đoạn từ Lái Thiêu, Bình Nhâm, An Sơn lên đến Thanh Tuyền, Thanh An… thuộc huyện Dầu Tiếng rất phù hợp để phát triển thành vùng chuyên canh trồng cây măng cụt.

Trong một lần trò chuyện cùng ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, chúng tôi được nghe ông chia sẻ tâm tư, trăn trở của mình về những định hướng phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Theo đó, thời gian tới địa phương sẽ tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng giảm cao su, tăng số lượng, diện tích chuyên canh các loại cây ăn trái đặc sản và trang trại chăn nuôi. Đồng thời, tích cực phát triển các khu, cụm công nghiệp làm tiền đề thu hút dân cư, người lao động, trên cơ sở đó hình thành những khu đô thị, khu dân cư phát triển với nhiều loại hình kinh doanh, dịch vụ.

Ông Huỳnh Văn Dân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể huyện Dầu Tiếng, cho biết thương hiệu măng cụt Thanh Tuyền nói riêng và huyện Dầu Tiếng nói chung được khách hàng gần xa đánh giá rất cao về chất lượng, mẫu mã. Theo đó, trong nhiều năm nay khi tham gia hội thi trái cây ngon, an toàn Nam bộ vào ngày 1-6 hàng năm, hầu như năm nào thương hiệu này cũng đạt giải. Đến nay, thương hiệu măng cụt Dầu Tiếng đã có hơn 20 giải thưởng, bằng khen với đầy đủ các giải nhất, nhì, ba, khuyến khích. Trong đó, riêng thương hiệu măng cụt của nông dân Nguyễn Văn Tỵ (Thanh Tuyền) đã đạt 6 giải thưởng trong các lần tham gia hội thi trái cây ngon.

 Trong thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, khi nói về măng cụt người ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh Lái Thiêu, Hưng Định với những vườn măng trĩu quả đã đi vào thơ ca với lời thơ rằng “Sông sâu man mác khói chiều/ Vườn cây ăn trái dập dìu đong đưa/ Bến Tre rợp mát bóng dừa, Lái Thiêu măng cụt ngọt chưa đâu bằng...”. Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, măng cụt Lái Thiêu đã dần thưa bóng, thay vào đó là sự xuất hiện của những vườn măng đầy triển vọng ở khu vực thượng nguồn… sông Sài Gòn, mà Dầu Tiếng đã biết khơi dậy tiềm năng.

 ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=800
Quay lên trên