Đội tuyển thi đấu thành công nhất tại SEA Games 28 là điền kinh với 11 HCV, 15 HCB và 8 HCĐ. Trong số này, ấn tượng nhất là HCV nội dung 4x400m tiếp sức nữ với 4 cô gái Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Thúy, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền đã xuất sắc phá kỷ lục SEA Games đã tồn tại suốt 24 năm trước đó do Thái Lan thiết lập. Ngoài ra, còn có thể kể đến những chiếc HCV giành được ở các nội dung 10 môn phối hợp của nam (Nguyễn Văn Huệ), 1.500m nam (Dương Văn Thái), 1.500m nữ (Đỗ Thị Thảo), 400m nữ (Nguyễn Thị Huyền), 200m nam (Lê Trọng Hinh), 400m rào nữ (Nguyễn Thị Huyền), 5.000m nam (Nguyễn Văn Lai), 800m nam và nữ (Dương Văn Thái và Đỗ Thị Thảo) và cuối cùng là đi bộ 20km nữ (Nguyễn Thị Thanh Phúc). VĐV Nguyễn Thị Huyền tỏa sáng với 2 HCV cá nhân (400m, 400m rào nữ và đồng đội tiếp sức) thật sự là phát hiện thú vị của điền kinh Việt Nam tại SEA Games lần này.
Môn thi đấu giành nhiều HCV tiếp theo cho đoàn TTVN là tuyển bơi lội với 10 HCB, chưa kể các HCĐ. Chắc chắn các thành viên của đội tuyển bơi lội, mà đặc biệt là kình ngư thép Nguyễn Thị Ánh Viên xứng đáng là người được nhắc đến nhiều nhất ở kỳ SEA Games 28. Cô gái vàng 19 tuổi đến từ Cần Thơ, đang là Đại úy quân nhân chuyên nghiệp, thuộc Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 (Quân khu 9) đã đi vào lịch sử khi trở thành VĐV Việt Nam giành nhiều HCV nhất tại một kỳ SEA Games. Ánh Viên đã giành được tổng cộng 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ, phá 8 kỷ lục SEA Games ở các nội dung bơi. Với thành tích này, Ánh Viên là VĐV nữ xuất sắc nhất SEA Games 28, chỉ đứng sau nam kình ngư J.Schooling (đoạt 9 HCV) trong danh sách những người đoạt nhiều HCV nhất các kỳ SEA Games. Ngoài Ánh Viên, môn bơi còn có VĐV Lâm Quang Nhật (1.500m nam), Hoàng Quý Phước (200m tự do nam).
Không thể không nhắc đến đội tuyển Thể dục dụng cụ (TDDC), đơn vị đã đóng góp đến 9 HCV cho đoàn TTVN. Trong số này, Đinh Phương Thành là VĐV xuất sắc nhất khi giành 3 HCV cá nhân (đơn nam toàn năng, xà kép ngang, xà đơn) và 1 HCV đồng đội tự do nam, trở thành người nhiều vàng nhất tuyển TDDC. Phương Thành với những tố chất và sự khổ luyện đặc biệt của mình hứa hẹn có thể gặt hái thành tích tại các đại hội thể thao lớn hơn, mà gần nhất là Đại hội TDTT châu Á (ASIAD) sắp tới. Dù bị chấn thương ở trước giải và tái phát ngay trong quá trình thi đấu tại Singapore 2015, nhưng cô gái vàng TDDC Việt Nam là Phan Thị Hà Thanh vẫn xuất sắc giành 3 HCV cá nhân (nội dung nhảy chống, cầu thăng bằng và đơn nữ toàn năng).
Tại Đại hội Đông Nam Á 2015 lần này, đoàn TTVN còn giành được nhiều HCV nữa ở các môn thể thao cơ bản tại các kỳ Đại hội thể thao thế giới (Olympic Games), như: Đấu kiếm (8 HCV), rowing (8 HCV), taekwondo (5 HCV), bắn súng (4 HCV), quyền Anh (3 HCV), xe đạp… Tổng cộng, tại SEA Games 28, đoàn TTVN giành được 64 HCV ở các môn thuộc hệ thống thi đấu của Olympic, đạt tỷ lệ 88%. Con số này hết sức ấn tượng, cao hơn nhiều so với 47 HCV, đạt tỷ lệ 64% của đoàn TTVN tại SEA Games 2013 trên đất Myanmar.
Bên cạnh gam màu hồng về sự thăng tiến về chuyên môn của các môn thể thao cơ bản Olympic thì vẫn còn đó những tâm tư, thậm chí là âu lo khi một số nội dung thi đấu không thật thành công như mong đợi, như bóng đá, bóng bàn, cầu lông, xe đạp…. Có nhiều lý do dẫn đến việc không thể có niềm vui trọn vẹn ở các nội dung trên, đó là sự chủ quan; thiếu sự chuẩn bị những phương án chu đáo cho các tình huống khác nhau trong những trận đấu quyết định; năng lực của HLV; trang thiết bị dụng cụ thi đấu chưa phù hợp…
CHÍ THANH