Kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế-xã hội năm 2011 nêu rõ, tập trung ưu tiên hàng đầu là việc kiềm chế lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội; coi đây vừa là nhiệm vụ cấp bách ngắn hạn của năm 2011, vừa là nhiệm vụ quan trọng của một vài năm tiếp theo.
>>>Toàn văn Kết luận của Bộ Chính trị
Tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội
Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã thay mặt Bộ Chính trị, ký Kết luận số 02-KL/TW ngày 16/3/2011 của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế xã hội năm 2011.Hiện tại, chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch năm 2011
Kết luận nêu rõ yêu cầu của Bộ Chính trị là các cấp, các ngành cần tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội; coi đây vừa là nhiệm vụ cấp bách ngắn hạn của năm 2011, vừa là nhiệm vụ quan trọng của một vài năm tiếp theo.
Trong năm 2011 và một vài năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011-2015, không quá câu thúc bởi mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 cao hơn năm 2010 để tránh tạo ra lạm phát cao, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của kế hoạch 5 năm.
Từ giữa năm 2011, căn cứ tình hình thực tế 6 tháng đầu năm, Bộ Chính trị sẽ có chỉ đạo tiếp theo. Chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch năm 2011 vào lúc này.
Nhanh chóng xây dựng cơ chế tăng cường quản lý thị trường ngoại tệ và vàng
Một trong những giải pháp chủ yếu mà Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện là phải áp dụng chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt phải tiến tới kiềm chế lạm phát cao, góp phần ổn định giá trị tiền đồng Việt Nam, tăng dần dự trữ ngoại hối.
Đồng thời, cần nhanh chóng xây dựng các cơ chế, chính sách tăng cường quản lý thị trường ngoại tệ (đô la) và vàng, khắc phục tình trạng đầu cơ tích trữ, buôn bán trái phép. Có lộ trình và biện pháp phù hợp trong từng thời kỳ, đảm bảo lợi ích hợp pháp của người có tài sản này; quan tâm đúng mức nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp và nhân dân, tránh tạo ra các "cú sốc" về tâm lý gây bất ổn xã hội; khuyến khích, không gây trở ngại cho việc thu hút các nguồn ngoại tệ từ nước ngoài về, tổ chức lại thị trường kinh doanh vàng.
Đối với thị trường bất động sản, Bộ Chính trị yêu cầu cần có giải pháp đồng bộ chấn chỉnh thị trường bất động sản, không để trở thành nhân tố tác động gây ra lạm phát cao và nền kinh tế bong bóng. Việc kiểm soát, hạn chế dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản cần có lộ trình, bước đi và giải pháp phù hợp; chống đầu cơ nhưng cũng tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường bất động sản, gây tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội.
Đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm an sinh xã hội
Về cải cách doanh nghiệp nhà nước, Bộ Chính trị kết luận, cần đẩy mạnh việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo hướng: cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước; tập trung phát triển ngành sản xuất chính của doanh nghiệp; không khuyến khích phát triển những ngành không liên quan đến ngành sản xuất chính; sớm xác định cơ quan nhà nước đóng vai trò chủ sở hữu doanh nghiệp, khắc phục tình trạng không rõ ràng như hiện nay;...
Về bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội đã ban hành; đồng thời sâu sát nắm tình hình để hỗ trợ kịp thời các đối tượng khác, kể cả đối tượng cận nghèo, người thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn do tác động của lạm phát và điều chỉnh giá.
Theo Chinhphu.vn