Thời gian qua, mặc dù các bộ ngành, tỉnh Bình Dương nỗ lực rất lớn để phổ biến “luật chơi” giúp doanh nghiệp (DN) tự tin, vững vàng hội nhập kinh tế quốc tế. Song theo ý kiến của cộng đồng DN trong tỉnh, đặc biệt là cộng đồng DN vừa và nhỏ, đa số DN vẫn còn đứng ngoài, chưa tiếp cận được các hiệp định thương mại tự do (FTA) bởi đa phần là gia công, chưa có thương hiệu. Trong khi đó, muốn nhập cuộc vào những thị trường rộng lớn, khó tính phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngặt nghèo... Khó khăn của DN vừa và nhỏ là nguồn nhân lực, nguồn vốn cũng như trình độ khoa học công nghệ còn hạn chế. Việc hưởng lợi từ các FTA thuộc về các công ty có thương hiệu toàn cầu.
Để vượt qua rào cản này, vươn ra sân chơi lớn, các DN cần xây dựng thương hiệu, thoát khỏi gia công thuần túy, tạo động lực để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm. Đơn cử như trong chuỗi giá trị của dệt may, da giày hiện cũng chủ yếu theo hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít DN có thể xuất khẩu bằng thương hiệu riêng.
Trong thời gian tới, các FTA sẽ chuyển sang giai đoạn hội nhập sâu và rộng hơn với những cam kết mạnh mẽ hơn. Đồng thời, những chính sách hội nhập đa phương của các thị trường trong các FTA đã ký kết với Việt Nam cũng sẽ thay đổi. Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ DN tận dụng các FTA, chính DN phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm, trước mắt phải xây dựng được thương hiệu quốc gia. Điều đó đồng nghĩa với việc cộng đồng DN phải chủ động cải tiến, liên kết sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó, phải chuyển đổi ngành sản xuất để có thể cung cấp những sản phẩm thị trường cần chứ không phải sản phẩm mình có thể làm được. Để làm được điều này trước hết các DN phải ngồi với nhau để kết nối cùng xây dựng thương hiệu, trong đó cần có các DN lớn đứng ra làm đầu tàu kết nối, xây dựng.
Chính phủ cùng các bộ, ngành đã và đang đồng hành tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN hội nhập, tận dụng hiệu quả các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cũng chỉ là “cái cần câu”, việc tận dụng, phát huy như nào lại phụ thuộc vào sự chủ động của DN.
KHẢI ANH