Gương thanh niên sản xuất giỏi

Khá lên từ nuôi chim cút

Cập nhật: 26-10-2017 | 08:17:53

Sau hơn 3 năm dấn thân vào làm nông nghiệp, chị Nguyễn Thị Hằng, ngụ ấp Tân Tiến, xã Phước Sang, huyện Phú Giáo, từ một công chức Nhà nước đã trở thành thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi.

 

 Chị Nguyễn Thị Hằng thành công với mô hình nuôi chim cút. Ảnh: HẢI SÂM

 Sau gần 10 năm làm việc trong một cơ quan Nhà nước, do hoàn cảnh riêng chị Hằng đã rẽ sang một hướng đi khác, đó là trở về với nghề nông. Năm 2014, trong một lần tình cờ chị được tiếp cận với mô hình nuôi chim cút, dần dần chị “bén duyên” với mô hình này. Khi đó, chị không có chút kiến thức gì về nuôi chim cút, nhưng với niềm đam mê cùng tinh thần quyết tâm làm giàu bằng sức trẻ, chị đã gắn bó với nghề nuôi loài chim này.

Sau hơn 3 năm nuôi, đến nay mô hình nuôi chim cút của chị Hằng đã được nhiều người biết đến, đặc biệt là đối với các bạn trẻ. Chị Hằng chia sẻ, từ lâu trong chị đã nuôi dưỡng niềm đam mê về ngành nông nghiệp. Chị luôn tự nhủ phải tìm ra một hướng đi mới phù hợp với niềm đam mê, điều kiện thực tế tại địa phương mình. “Một lần tình cờ tôi biết đến mô hình chăn nuôi chim cút có thể cho mình một hướng đi mới. Chim cút có thể đem lại cho người chăn nuôi thu nhập khá, cuộc sống ổn định. Qua tìm hiểu từ thực tế ở các trang trại nuôi cút trong và ngoài huyện, đồng thời qua tìm tòi trên sách báo, internet tôi quyết tâm gắn bó với nghề nuôi chim cút”, chị Hằng tâm tình.

Thành công từ mô hình nuôi chim cút, chị Hằng đã nhận được những phần thưởng cao quý của Đoàn Thanh niên, như gương thanh niên làm kinh tế giỏi, thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác; của Hội Nông dân trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương. Chị Hằng còn được Huyện đoàn Phú Giáo đề xuất Trung ương Đoàn xem xét tặng giải thưởng Lương Định Của cho những nỗ lực vươn lên làm kinh tế của mình.

Cũng như nhiều nông dân khác, khi mới tiếp cận với giống cây, con mới, chị Hằng gặp rất nhiều khó khăn ban đầu. Chị Hằng cho biết, những ngày đầu đến với con chim cút chị gặp không ít khó khăn. Khó khăn thứ nhất là đầu ra cho sản phẩm, bởi làm nông nghiệp mà không có đầu ra ổn định cho sản phẩm thì sớm muộn gì cũng thất bại. Để giải quyết vấn đề này, chị lặn lội đi tìm đầu ra cho con chim cút. Sau khi đã tìm được địa chỉ ký kết cho đầu ra chim cút thì một khó khăn nữa là trong quá trình nuôi chị không có “tay nghề” chăn nuôi, nhất là đối với những con vật khá mới như chim cút. Với phương châm vừa nuôi vừa tìm tòi, học hỏi, mỗi lần thất bại chị lại chịu khó tìm hiểu nguyên nhân để xử lý vấn đề hiệu quả và cuối cùng chị đã thành công. “Tôi nghĩ nhiều người nuôi chim cút thành công thì mình cũng có thể làm được. Mình chưa thành công thì phải quyết tâm gấp 2 - 3 lần so với người khác. Đây là nguyên nhân chính để mô hình nuôi chim cút của mình có được kết quả như hôm nay”, chị Hằng nói.

Đến nay, chị Hằng đã gây dựng được 3 trang trại nuôi chim cút với hơn 120.000 con cút thịt, mang lại cho chị thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 100 triệu đồng. Không những tạo thu nhập ổn định cho gia đình, các trang trại nuôi chim cút của chị còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 10 lao động, với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng.

 HẢI SÂM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2828
Quay lên trên