Nhờ thực hiện hiệu quả các giải pháp nên thời gian qua, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.
Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Big C Bình Dương. Ảnh: TRÚC HUỲNH
Tiếp tục đầu tư cho hệ thống chợ
Cùng với việc mở rộng các khu công nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư, những năm qua Bình Dương luôn chú trọng phát triển thương mại theo hướng hiện đại, đa dạng hóa các loại hình tổ chức thương mại. Theo đó, để phát triển thương mại - dịch vụ, Bình Dương đã xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
Đồng thời, tỉnh tập trung làm tốt công tác quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, làng nghề gắn với quy hoạch các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; đẩy mạnh quá trình xã hội hóa trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất chợ, trung tâm thương mại. Tỉnh cũng tăng cường cải cách thủ tục hành chính, kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ...
Theo Sở Công thương, từ đầu năm đến nay, cơ sở hạ tầng thương mại tại các địa phương trong tỉnh tiếp tục được đầu tư mới và cải tạo nâng cấp, trong đó các chợ nông thôn được xây dựng theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Có thể kể đến như chợ Bình Mỹ (xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên), chợ Trừ Văn Thố (xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng)… Đến nay, toàn tỉnh đã có 106 chợ, 11 siêu thị và 3 trung tâm thương mại. Nhờ vậy, lĩnh vực thương mại của tỉnh luôn phát triển ổn định, hàng hóa phong phú, dồi dào, giá cả hàng hóa không biến động lớn. Cùng với đó, các doanh nghiệp bán lẻ cũng tăng cường thực hiện khuyến mại và bảo đảm đủ lượng hàng hóa dự trữ, đã kích thích sức mua người dân tăng cao trong dịp lễ, tết, qua đó góp phần tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của tỉnh.
Chuẩn bị tốt nguồn hàng
Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, để lĩnh vực thương mại - dịch vụ phát triển tương xứng với tiềm năng của tỉnh, trong thời gian tới ngành tiếp tục triển khai Đề án phát triển thương mại - dịch vụ giai đoạn đến năm 2020. Theo đó, ngành tập trung hoàn thiện hệ thống các chợ theo quy hoạch; khai thác hiệu quả các chợ mới xây dựng. Bên cạnh đó, ngành công thương tiếp tục tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn để các hộ dân đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ cao cấp, chất lượng cao...
Tháng 10-2017, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 14.293 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung trong 10 tháng năm 2017, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 131.570 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2016. |
Về phía các siêu thị, trung tâm thương mại như Co.op Mart, Big C, Lotte… tuy thời điểm này chưa có kế hoạch cụ thể về chương trình bình ổn thị trường dịp cuối năm song lãnh đạo các nhà bán lẻ trên địa bàn tỉnh đều nhận định sức tiêu thụ hàng hóa năm nay sẽ cao hơn năm trước, lý do là nền kinh tế của Bình Dương tiếp tục tăng trưởng ổn định, đời sống người dân tiếp tục tăng lên. Bà Trần Thị Hồng Quyên, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart ngã tư Chợ Đình (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, mặc dù thời điểm này kế hoạch cung ứng hàng hóa dịp cuối năm tại hệ thống siêu thị Co.op Mart chưa khởi động, do so với năm trước Tết Nguyên đán năm nay đến trễ hơn 1 tháng, nhưng nguồn cung ứng hàng hóa, mức giá bán luôn được siêu thị kết hợp chặt chẽ với các nhà phân phối đem hàng tới các khu vực có đông công nhân, vùng nông thôn và khu vực đông dân cư để phục vụ cho bà con với mức giá bình ổn.
Với chủ trương huy động nhiều đơn vị, doanh nghiệp cùng tham gia chương trình bình ổn giá hàng hóa của tỉnh, tới đây người dân có thể yên tâm mua sắm dịp cuối năm bởi giá cả được bảo đảm ổn định, không dao động nhiều.
THANH HỒNG