Bình Dương có nhiều làng nghề truyền thống, như guốc mộc, điêu khắc gỗ, gốm, sơn mài, đan mây tre lá… Thời gian qua, các làng nghề đã mạnh dạn phát triển theo hướng công nghiệp, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao, đa dạng của khách hàng.
Trong bối cảnh mới, nhiều gia đình gắn bó với nghề truyền thống không thích ứng kịp đã phải “giải nghệ”; một số nghệ nhân nhờ nắm bắt nhanh thị hiếu tiêu dùng, thay đổi tư duy kịp thời đã gắn bó và phát triển ổn định ngành nghề truyền thống này. Có thể nói đến như ngành gốm sứ, sơn mài… đã thoát khỏi “bóng tre làng” để vươn mình sang thị trường các nước.
Theo các chuyên gia, đặc trưng của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ không thể tách rời với chiến lược phát triển du lịch. Muốn bảo tồn ngành nghề truyền thống, du lịch chính là cứu cánh cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Hiểu được tầm quan trọng của ngành du lịch trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, Bình Dương đang thực hiện Đề án Phát triển du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái đặc sản và làng nghề truyền thống. Hiện đề án này đang được triển khai ở một số địa phương nằm ven sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.
Một số nghệ nhân sơn mài trong tỉnh trăn trở, hàng chục sản phẩm thủ công mỹ nghệ như gốm, sơn mài, điêu khắc gỗ, guốc mộc… không thể đứng riêng lẻ để tồn tại. Tất cả làng nghề cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Mô hình “một cho tất cả”, một khu du lịch sinh thái đủ quy mô để có thể giới thiệu hàng chục sản phẩm thủ công mỹ nghệ đến với du khách trong và ngoài nước là bài toán mà tỉnh nhà nên tính tới.
Hiện nay, một số doanh nghiệp gốm đã tổ chức tour du lịch kết hợp làm gốm, tuy nhiên hiệu quả chưa cao vì du khách được trải nghiệm quá ít, chỉ tập trung vào nghề làm gốm. Chính vì thế, việc bảo tồn làng nghề cần đẩy mạnh sự liên kết và tập trung “một cho tất cả” sẽ giúp các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đứng vững trên thị trường. Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống cần một không gian đủ rộng để tập trung giới thiệu, quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nếu gắn liền với các khu du lịch sinh thái thì càng tốt.
HOÀNG PHONG