Khắc khoải chờ đi dạy

Cập nhật: 10-09-2012 | 00:00:00

Thực tế cho thấy trong nhiều năm qua, hầu hết các sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp phải vất vả cầm đơn đi xin việc hết trường này đến trường khác. Có người phải “khắc khoải” chờ đợi năm này qua năm nọ vẫn chưa được phân công đi dạy. Trong khi đó, năm nào báo cáo của ngành giáo dục cũng cho thấy ngành đang thiếu vài trăm giáo viên.

Chị Nguyễn N.T., ngụ phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An tốt nghiệp loại khá ngành Sư phạm Anh văn tại trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương (nay là Đại học Thủ Dầu Một) năm 2003. Thế nhưng khi chị đến trường nào xin việc cũng nhận được những cái lắc đầu do “không thiếu giáo viên môn Anh văn”. Thậm chí một số trường còn than dư giáo viên môn này. Nằm nhà chờ đợi hơn nửa năm trời mà vẫn chưa được phân công đi dạy, chị T. quyết định đi làm phiên dịch cho một công ty có vốn nước ngoài tại KCN VSIP. “Gia đình đầu tư cho ăn học mấy năm trời, tốn kém rất nhiều cả về thời gian và tiền bạc, chẳng lẽ học xong lại chịu cảnh ngồi “ăn bám” để chờ việc. Biết là công việc không đúng với chuyên môn mình được đào tạo, nhưng thà đi làm vừa có tiền, vừa vui chứ ngồi nhà chờ tâm lý mình căng thẳng, mệt mỏi lắm”.

Không giống chị T., chị Trần T.A. tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiểu học nhưng chị lại được một trường tiểu học nhận vào làm giáo viên dự bị và tạm thời làm việc tại phòng đọc sách của trường. Dù là giáo viên dự bị và làm công việc không đúng chuyên môn nhưng chị T.A. vẫn hy vọng một ngày nào đó mình được trực tiếp đứng lớp, công việc mà chị đam mê từ khi còn nhỏ.

Đối với nhiều người, thời gian ở nhà chờ đợi là thời gian căng thẳng nhất, nhiều người cứ băn khoăn không biết nên kiên nhẫn chờ để được đi dạy hay tìm việc khác. Chính vì thế mà phần lớn sinh viên ngành sư phạm sau khi ra trường đã làm nghề khác vì không thể chờ đến lúc được một trường nào đó nhận vào. Số ít ỏi còn lại thì khắc khoải chờ đợi ngành giáo dục phân công dù biết rằng hy vọng rất mong manh.

Ở Bình Dương hàng năm, có hàng trăm sinh viên sư phạm ra trường trong khi chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên của các cơ sở giáo dục chỉ “nhỏ giọt”. Hiện nay, toàn ngành giáo dục còn thiếu khoảng 400 giáo viên tiểu học, mầm non. Trong khi đó số lượng hồ sơ dự tuyển là 1.659 hồ sơ. Phần lớn số lượng giáo viên còn thiếu thuộc các môn năng khiếu, như: nhạc, họa, thể dục... Đối với các môn văn hóa, nhất là các môn xã hội, hầu hết các trường đều đã đủ giáo viên, thậm chí có nơi còn thừa giáo viên. Tình trạng thiếu - thừa giáo viên diễn ra liên  tục trong những năm gần đây cho thấy đào tạo sư phạm ở Bình Dương phải chăng chưa đáp ứng đúng nhu cầu thực tế?! Trong khi đó, mấy năm trở lại đây chỉ tiêu đào tạo các ngành sư phạm đã giảm đáng kể nhưng lượng sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm vẫn đang ứ đọng rất nhiều.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các ngành chức năng nhất là ngành giáo dục cần phải đưa ra những quy hoạch cụ thể trong việc sử dụng và đào tạo đội ngũ giáo viên. Những ngành nào thiếu thì tăng cường đào tạo, ngành nào thừa thì hạn chế bớt. Việc đào tạo tràn lan như trong thời gian vừa qua là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu - thừa đầu mỗi năm học, đồng thời gây lãng phí về tiền bạc cũng như nguồn nhân lực cho xã hội.

HỒ NGỌC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=247
Quay lên trên
X