Khai mạc Hội nghị phát triển Giáo dục và Đào tạo vùng Đông Nam Bộ

Cập nhật: 18-04-2023 | 09:23:53

(BDO) Sáng 18-4, tại Trung tâm Hội nghị Triển lãm tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức hội nghị phát triển GD-ĐT vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội; ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.



Lãnh đạo Trung ương và các địa phương vùng Đông Nam Bộ tham dự hội nghị

Về phía tỉnh Bình Dương có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo 6 tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ và một số bộ, ngành Trung ương, địa phương.


Tiết mục văn nghệ chào mừng hội nghị


Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc tại hội nghị


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc trình bày báo cáo tóm tắt tình hình phát triển giáo dục vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2011 - 2021

Hội nghị bàn về tình hình phát triển giáo dục, đào tạo vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2011-2021 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Theo Bộ GD-ĐT, về cơ bản, 100% đơn vị cấp xã trong vùng Đông Nam bộ đều có trường mầm non, tiểu học. Hầu hết các xã đều có trường trung học cơ sở, các huyện đều có trường trung học phổ thông. Tính đến năm học 2020 – 2021, toàn vùng có 7.871 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, tăng hơn 1.000 cơ sở giáo dục so với giai đoạn năm học 2010 – 2011. Tính đến tháng 6-2022, toàn vùng có 57 trường đại học và 316 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các ngành nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (ở giữa) cùng đại diện các bộ ngành, địa phương chủ trì hội nghị

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học tại vùng Đông Nam bộ tăng dần hàng năm, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với bình quân của cả nước và thấp nhất trong 6 vùng. Kết cấu hạ tầng các cấp học được tăng cường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tỷ lệ kiên cố hóa phòng học tăng dần qua các năm, đứng thứ hai trong 6 vùng kinh tế - xã hội, chỉ thấp hơn Vùng đồng bằng sông Hồng. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa. Năm học 2020 - 2021, tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu vùng Đông Nam bộ đạt 60,6%…


Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tham luận tại hội nghị

Tuy nhiên, do tốc độ tăng dân số cơ học rất nhanh tại các thành phố lớn, các khu vực có các khu công nghiệp, khu chế xuất đã gây áp lực không nhỏ lên hệ thống giáo dục. Áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao nên kết cấu hạ tầng ngành giáo dục chưa đáp ứng kịp với tốc độ tăng số lượng học sinh hằng năm. Số lượng giáo viên bỏ việc, ra khỏi ngành có xu hướng gia tăng ở một số địa bàn làm tăng thêm áp lực về vấn đề thiếu giáo viên…

Dịp này, Bộ GD-ĐT cũng đã đề ra những mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn 2045, GD-ĐT vùng Đông Nam bộ đứng đầu cả nước và thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.


Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng lãnh đạo tỉnh trao đổi bên lề hội nghị

Xuyên suốt hội nghị, đại diện các tỉnh vùng Đông Nam bộ có những tham luận xoay quanh quá trình phát triển giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; đổi mới giáo dục phổ thông gắn với hướng nghiệp; công tác đào tạo giáo viên; chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo…


Lãnh đạo tỉnh Bình Phước phát biểu tham luận tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực của hệ thống GD-ĐT vùng Đông Nam bộ trong thời gian qua. Phó Thủ tướng khẳng định, Đông Nam bộ là trung tâm phát triển lớn nhất, đầu tàu lớn nhất về mọi mặt, kết quả này có sự đóng góp rất lớn của hệ thống GD-ĐT. Mặc dù vậy vùng vẫn còn nhiều hạn chế đã được chỉ ra tại hội nghị. Vấn đề đặt ra hiện tại nên làm thế nào để giúp giáo dục vùng Đông Nam bộ vượt qua mọi thách thức, đạt được nhiều thành tích như kỳ vọng. 


Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

“Để làm được điều này, các địa phương cần nghiên cứu kỹ Nghị quyết 24 để có quy hoạch cụ thể về phát triển mạng lưới GD-ĐT phù hợp với đặc thù của mỗi tỉnh, chú trọng công tác xã hội hóa giáo dục. Cần xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển lâu dài vì vậy cần tiến hành đổi mới các mô hình, tổ chức, đi tiên phong trong các hoạt động để đào tạo, thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần xây dựng vùng Đông Nam bộ ngày càng phát triển”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh. 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cảm ơn những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng đối với giáo dục vùng Đông Nam bộ. Bộ trưởng khẳng định, trong tiến trình phát triển của vùng Đông Nam bộ, việc tập trung đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài luôn là vấn đề được quan tâm. Miền Đông là vùng đất trẻ, dân số trẻ, là cơ hội tuyệt vời cho GD-ĐT phát triển hơn nữa. Sau hội nghị này, Bộ GD-ĐT sẽ có những định hướng cụ thể hơn để giúp GD-ĐT vùng Đông Nam bộ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng…

Hồng Phương - Quốc Chiến

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1606
Quay lên trên
X