Khai thác tốt tiềm năng để du lịch phát triển - Kỳ cuối

Cập nhật: 09-09-2015 | 08:44:45

Kỳ cuối: Hình thành các “con đường du lịch”

Vừa qua, tại vùng chuyên canh bưởi Bạch Đằng (xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên) đã diễn ra buổi tọa đàm khoa học “Giải pháp cấp thiết để phát triển du lịch sinh thái và làng nghề tỉnh Bình Dương trong tình hình hiện tại”. Buổi tọa đàm có sự góp mặt đông đảo đội ngũ phó giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa của Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh, cùng hàng chục nghệ nhân, nông dân, doanh nghiệp trong tỉnh.

Khách vui chơi tại Khu du lịch Hồ Nam (TX.Tân Uyên) Ảnh: X.THI

Nên chắt chiu từng nét văn hóa, sản vật

Là người gắn bó với mảnh đất Bình Dương từ lâu, nghệ nhân, Giám đốc Công ty Gốm sứ Cường Phát, ông Lý Ngọc Bạch rất tâm đắc với Đề án Phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề mà tỉnh Bình Dương đang nghiên cứu. Ông cho biết, sản phẩm du lịch tại Bình Dương còn khá ít nên chắt chiu từng nét văn hóa, từng sản vật là việc làm rất cần thiết. Theo ông, vùng bưởi Bạch Đằng ven sông Đồng Nai đâu chỉ có “hoa thơm trái ngọt”, mà sông còn mang lại nhiều đặc sản như cá lăng, cá chẻm, đặc biệt là cá duồn, cá cầy… mà chỉ nơi này mới có. Rất ít du khách tới tham quan làng bưởi có dịp thưởng thức cá duồn, cá cầy. Nếu khai thác và tiếp thị tốt 2 loại cá này vẫn có thể trở thành một sản vật độc đáo gắn liền với vùng bưởi Bạch Đằng.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, Bình Dương muốn phát triển du lịch thì cần có sự liên kết nhiều mô hình, sản phẩm du lịch để tạo thành một chuỗi kết nối. Ngoài lợi thế sinh thái và làng nghề, Bình Dương cũng nên quan tâm hơn đến các di tích văn hóa, lịch sử để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch mang nhiều màu sắc: sinh thái, làng nghề, tâm linh, văn hóa… Có như thế mới tạo ra sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Cũng theo Tiến sĩ Thơ, sông Sài Gòn và sông Đồng Nai vẫn chưa được khai thác triệt để phục vụ du lịch. Chẳng hạn, theo dọc hai con sông này Bình Dương có thể hình thành các khu nghỉ dưỡng, thưởng ngoạn cảnh đẹp bằng tàu ghe, ca nô…; thậm chí cũng có thể tạo thành những khu vực câu cá dã ngoại, những bãi tắm sông đủ an toàn để đáp ứng nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng của khách.

Tiến sĩ Phan Anh Tú (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh) thì nhận định, ngoài sự liên kết các loại hình du lịch, Bình Dương cũng nên tổ chức liên kết du lịch vùng Đông Nam bộ để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch nhằm lưu giữ khách lâu hơn. Đối với việc kinh doanh du lịch, giữ chân khách được một giờ có thể là địa phương có thêm cơ hội tăng thu nhập từ các dịch vụ nghỉ ngơi, ăn uống, đặc biệt là đồ lưu niệm liên quan tới những làng nghề truyền thống.

Những “con đường du lịch” không còn xa?!

Tại buổi tọa đàm, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, du lịch đường sông với chủ đạo là hai con sông Sài Gòn và Đồng Nai đi qua những vườn trái cây, làng nghề danh tiếng của Bình Dương vẫn có thể trở thành; bên cạnh đó đường bộ kết nối các khu di tích lịch sử, chùa chiền, đền miếu… kết hợp với giao thông đường thủy là lợi thế rất lớn của Bình Dương để phát triển du lịch.

Theo các nhà nghiên cứu, ẩm thực của Bình Dương cũng khá nổi tiếng. Sự sáng tạo và bàn tay tài hoa của người dân Bình Dương đã làm ra nhiều món ăn thú vị như: Bánh bèo Mỹ Liên, nem Lái Thiêu, gỏi măng cụt, gà nướng sầu riêng, bánh tráng Phú An… Những món ngon này du khách có thể thưởng thức khi đặt chân đến Bình Dương.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tài nguyên du lịch của Bình Dương vẫn còn rất nhiều, lâu nay chưa khai thác hết tiềm năng của nó. Đó là hàng loạt di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh như: Nhà tù Phú Lợi, Địa đạo Tây Nam, chùa Hội Khánh, chùa Núi Châu Thới, nhà cổ ông Trần Văn Hổ, vườn cao su thời Pháp thuộc… Về lễ hội, mỗi năm Bình Dương có những lễ hội lớn gồm: Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu (diễn ra từ ngày 1 - 15 tháng Giêng âm lịch); đua thuyền truyền thống trên sông Sài Gòn (tổ chức vào dịp 30-4 dương lịch); Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” mới được định hình tổ chức thử nghiệm và lễ hội Kỳ yên tại các đình thần.

Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Khu bảo tồn đa dạng sinh học Làng Tre (xã Phú An, TX.Bến Cát) hình dung về con đường sinh thái nối Lái Thiêu, Làng Tre về Tân Uyên tạo ra một chuỗi sản phẩm du lịch rất thú vị. Bên cạnh đó, mỗi làng nghề cũng sẽ góp phần quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ của mình không những ngay tại làng nghề mà cũng cần hiện diện đầy đủ tại các khu du lịch sinh thái và ngược lại, sản vật trái cây đặc trưng của Bình Dương cũng góp mặt ngay tại các khu làng nghề. Đây là cách làm du lịch chủ động lôi kéo du khách để ngành du lịch tỉnh Bình Dương không phải chờ đợi mỗi vào mùa trái cây hay lễ hội mới thu hút du khách.

Họa sĩ Thái Kim Điền, Chủ tịch Hiệp hội Điêu khắc và Sơn mài Bình Dương nhấn mạnh, đã đến lúc tỉnh Bình Dương nên tạo biểu tượng du lịch đặc trưng cho riêng mình. Đó sẽ là biểu mẫu cho tất cả làng nghề truyền thống gồm gốm sứ, điêu khắc gỗ, sơn mài, đan mây tre lá… Tạo ra những món quà lưu niệm mang đậm bản sắc văn hóa đất và con người Bình Dương là cách để lại dấu ấn trong lòng du khách mỗi lần có dịp ghé thăm Bình Dương.

 

 PHÙNG HIẾU

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=732
Quay lên trên