Những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Dương còn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, trong đó đặc biệt chú trọng đến chất lượng nguồn nước phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp.
Công trình nhà máy cấp nước nông thôn do Trung tâm Đầu tư khai thác thủy lợi và nước sạch, môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, vận hành. Ảnh: DUY CHÍ
Chú trọng bảo vệ nguồn nước
Các nhà chuyên môn cho biết nước sạch và vệ sinh môi trường là vấn đề tiên quyết trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sống của con người, góp phần phát triển bền vững đất nước. Do đó, việc bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề sống còn, là nhiệm vụ và quyền lợi của toàn dân.
Tại Bình Dương, từ nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và kế hoạch đầu tư theo từng giai đoạn, tỉnh đã tập trung phát triển song song các nhà máy cung cấp nước sạch cùng với hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải sinh hoạt ứng dụng công nghệ hiện đại, hình thành hệ sinh thái hữu cơ trong phát triển công nghiệp, đô thị. Hiện các nhà máy cấp nước trên địa bàn tỉnh đã đạt công suất cấp nước 450.000m3/ngày đêm. Các nhà máy này được nối mạng trực tiếp và được vận hành bằng công nghệ scada bảo đảm chủ động, không bị tắt nghẽn, mất nước, mất điện hoặc sự cố kỹ thuật... Nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được thu gom bằng đường ống khép kín đưa về nhà máy xử lý đạt tiêu chuẩn cột A của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi trả lại môi trường tự nhiên.
Nhà máy thu gom xử lý nước thải đầu tiên của tỉnh được vận hành tại TP.Thủ Dầu Một có công suất thu gom xử lý 17.000m3 ngày đêm, cùng hệ thống thu gom đã đạt công suất thiết kế sau 4 năm hoạt động và đang tiếp tục mở rộng giai đoạn II. Sau nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Thủ Dầu Một, các địa phương khác trong tỉnh cũng đã hoàn thành và đưa vào hoạt động nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt như TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Tân Uyên... với công suất tương tự.
Thu hẹp khoảng cách nông thôn - thành thị
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Đầu tư khai thác thủy lợi và nước sạch, môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết thực hiện chủ trương mọi người dân đều được tiếp cận, hưởng thụ thành quả kinh tế - xã hội của tỉnh mang lại, từ năm 2010 đến nay trung tâm đã đầu tư 32 công trình nước sạch nông thôn tại 31 xã thuộc 4 huyện và 1 thị xã trong tỉnh; mỗi công trình có công suất trung bình 1.000m3/ngày đêm; tổng công suất 28.516m3/ngày đêm, phục vụ cho 94.422 hộ dân tại các xã này, đạt tỷ lệ 32,67%.
Phát biểu tại hội nghị thường niên ngành nước Việt Nam năm 2019 do tỉnh Bình Dương đăng cai tổ chức vừa qua, ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định cấp thoát nước, xử lý môi trường là vấn đề quan trọng của nhiều đô thị, thành phố trong cả nước. Bình Dương hướng đến đô thị văn minh, hiện đại nên đã tập trung xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cùng với hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải vừa góp phần bảo đảm sức khỏe người dân, vừa bảo đảm mỹ quan, môi trường. Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương được giao nhiệm vụ này và đã làm tốt, góp phần xây dựng thành phố Bình Dương văn minh, hiện đại. |
Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị quản lý vận hành, khai thác cung cấp nước sạch tập trung cho nông thôn, gồm Trung tâm Đầu tư khai thác thủy lợi và nước sạch, môi trường - chịu trách nhiệm cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn và Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương - cung cấp nước sạch cho cư dân đô thị, sản xuất công nghiệp, đồng thời mở rộng hệ thống đến các xã nông thôn. Đến nay, tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh có nước sạch và nước hợp vệ sinh sử dụng sinh hoạt đạt 99%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 97%; tỷ lệ chuồng trại chăn nuôi được xử lý chất thải đạt 88%.
Không chỉ khu vực thành thị, những năm qua, các xã nông thôn trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư kết hợp xây dựng tuyến đường không rác, khu ấp không rác, góp phần mang lại mỹ quan, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư.
Tại Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương (phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát), hiện mỗi ngày tiếp nhận từ 1.500 - 1.700 tấn rác thải sinh hoạt. Rác thải khi vào khu liên hợp xử lý được phối trộn hóa chất, gây men để thu hồi khí biogas phục vụ tổ hợp phát điện, tạo nhiệt cho các dây chuyền sản xuất phân bón, vật liệu xây dựng. Sau quá trình ủ chua, mùn rác được chuyển vào khu xử lý, sản xuất phân bón compos công suất 450 tấn/ngày đêm. Đồng thời với quá trình ủ chua, thiết bị sàng lọc, phân loại trong dây chuyền sẽ thu hồi các loại tạp chất không phân hủy như đá, cát cùng nhiều loại tạp chất có thể tái chế như nylon, nhựa, sắt, thép, giấy, bao bì... để khu liên hợp tiếp tục tái chế, sản xuất ra nhiều loại vật chất hữu ích khác.
Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương - đơn vị được giao nhiệm vụ cung cấp nước sạch, thu gom xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh, cho biết để biến chất thải thành tài nguyên cần có hệ thống xử lý đồng bộ, vì chất thải đô thị đang ngày một gia tăng. Nếu dây chuyền của hệ thống xử lý chất thải hoạt động không đồng bộ sẽ dẫn đến ùn ứ chất thải, tạo ra thảm họa môi trường; dây chuyền hoạt động đồng bộ nhưng sản phẩm tái chế, sản xuất ra từ chất thải, rác thải mà không tiêu thụ được cũng dẫn đến khó khăn trong hoạt động của đơn vị. Do vậy, hoạt động cấp thoát nước, thu gom xử lý chất thải, rác thải hiệu quả là góp phần tích cực xây dựng Bình Dương trở thành phố thông minh, sạch, đẹp, thân thiện và hiện đại.
Khởi công xây dựng nhà máy nước công suất 100.000m3/ngày đêm
Xí nghiệp cấp nước Khu kiên hợp - đơn vị thành viên của Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương vừa khởi công xây dựng nhà máy cấp nước 100.000m3/ngày đêm. Ông Phạm Văn Chiến, Giám đốc Xí nghiệp cấp nước Khu liên hợp, cho biết hiện xí nghiệp đã đạt công suất thiết kế 1.300m3/ngày đêm. Dự kiến, nhà máy được xây dựng trong 2 năm. Nhà máy mới đi vào hoạt động sẽ cung cấp đủ nước sạch phục vụ đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Hiện mạng lưới cung cấp nước sạch của Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương đã phủ kín các địa bàn từ thành thị đến nông thôn mà nhiều năm trước thường bị thiếu nước vào mùa khô như xã Tân Định (huyện Bắc Tân Uyên), phường An Bình (TX.Dĩ An), các xã Lai Uyên, Long Nguyên, Tân Hưng, Hưng Hòa (huyện Bàu Bàng)... Nước sạch do công ty cung cấp đạt tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế nên có thể uống trực tiếp tại vòi vì đã được xử lý, bảo đảm chất lượng.
TÔN THẤT SƠN