Khám phá hệ thống nhận diện tội phạm từ quán quân cuộc thi AIoT sinh viên

Cập nhật: 15-06-2023 | 16:13:47

Sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện những sự kiện “bất thường” xảy ra trong video thu được từ camera tại biên với thời gian xử lý nhanh nhất. Ý tưởng của nhóm VGU-Warriors đã nhận được đánh giá cao của ban giám khảo và giành giải nhất tại Cuộc thi Phát triển Ứng dụng AIoT Developer InnoWorks 2022.


Đội VGU-Warriors cùng giảng viên hướng dẫn tại chung kết cuộc thi

Công nghệ AIoT (Trí tuệ nhân tạo và Vạn vật kết nối) là xu hướng phát triển của ngành công nghệ thông tin trong những năm gần đây. Ứng dụng của AIoT trải rộng trên nhiều lĩnh vực đời sống như Sản xuất thông minh & Kết nối máy móc, Thành phố thông minh, Y tế & Chăm sóc sức khỏe thông minh, Năng lượng & Môi trường,...

Với định hướng Thành phố thông minh, nhóm VGU-Warriors đến từ Trường đại học Việt Đức mong muốn phát triển thành công model trí tuệ nhân tạo nhận diện sự kiện tội phạm bất thường trực tiếp camera được gắn trên thiết bị Jetson tại biên tạo bởi NVIDIA.

Những sự kiện bất thường trong khuôn khổ dự án bao gồm 12 loại: Lạm dụng, Bắt giữ, Đốt phá, Tấn công, Trộm cắp, Nổ, Đánh nhau, Tai nạn giao thông, Cướp, Bắn, Trộm cắp, Phá hoại.

Nhóm đã ứng dụng công cụ AdvanTech Cloud để tự động kết nối và cập nhật thông số trạng thái của công cụ, gửi email cho quản lý khi có sự kiện bất thường xảy ra trong thời gian thực và có một dashboard để thống kê những sự kiện bất thường xảy ra tại tất cả các vị trí đặt camera khác nhau.

Đề tài được đánh giá cao về tính thực tiễn khi có thể ứng dụng trực tiếp lên các camera đường phố, camera giám sát, lẫn camera dân dụng để phục vụ mục đích trị an, giảm thiểu được công việc giám sát bằng mắt thường nặng nhọc mà lại thiếu tính chính xác cao.


Phần trình bày của nhóm đã gây ấn tượng với ban giám khảo

Nhờ đó, VGU-Warrior đã thành công  chinh phục giải quán quân trị giá 65 triệu đồng tại Cuộc thi Phát triển Ứng dụng AIoT Developer InnoWorks 2022 do Trường đại học Việt Đức và công ty Advantech Việt Nam tổ chức.

Nhóm gồm 3 thành viên: trưởng nhóm Phạm Việt Hoàng và Lê Đình Chương (ngành Khoa học máy tính), Trần Gia Thịnh (ngành Kỹ thuật điện & Máy tính) đã cùng nhau lên ý tưởng và thực hiện dự án từ tháng 12-2022 với sự hỗ trợ của Giảng viên tại trường đại học Việt Đức và cố vấn kỹ thuật từ phía Advantech Việt Nam.


Mục tiêu của nhóm là tiếp tục phát triển thêm ý tưởng của mình

Hiện nhóm đang tiếp tục hoàn thiện cho đề tài để chuẩn bị tranh tài cho vòng thi liên trường với các đội từ trường ĐH Bách Khoa TPHCM và trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM ngày 22-06 sắp tới.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X