Bài 2: Tất cả học sinh ngoài tỉnh đều được đến trường
Như bài trước chúng tôi đã đề cập, mỗi năm Bình Dương tăng hàng chục ngàn học sinh (HS) ở các cấp học, trong số này chủ yếu là HS ngoài tỉnh. Là địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp mạnh nên Bình Dương đã thu hút lao động ngoài tỉnh đến làm việc, kéo theo đó là con em cùng theo cha mẹ. Chăm lo việc học cho các em là trách nhiệm của tỉnh nói chung, ngành giáo dục - đào tạo nói riêng, bởi dù ở nơi nào các em cũng là những công dân Việt Nam, được bình đẳng hưởng các quyền như nhau.
Nhiều HS ở trường Tiểu học Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một) là con em lao động ngoài tỉnh Ảnh: A.SÁNG
Không phân biệt thường trú, tạm trú
Quý lắm những lao động ngoài tỉnh đến Bình Dương lao động, làm việc. Họ đã góp công sức vào sự nghiệp xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà. Ngoài chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động nói chung, tỉnh còn quan tâm đến việc học tập của con em lao động ngoài tỉnh. Nắm bắt nhu cầu học tập của HS, hàng năm trước khi bắt đầu tuyển sinh đầu cấp, các trường học trong tỉnh đã phối hợp với địa phương, ban điều hành khu phố rà soát, thống kê số HS trong độ tuổi đến trường. HS thuộc diện tạm trú cũng được quan tâm, đưa vào danh sách và mời gọi phụ huynh đến trường đăng ký cho con em.
Không phân biệt HS thường trú hay tạm trú, đó là ghi nhận của chúng tôi trong các mùa tuyển sinh vừa qua. Chỉ cần các em được chính quyền địa phương xác nhận tạm trú trong địa bàn là được giải quyết ngay, có những trường số HS thuộc diện này chiếm hơn 50%. Tại trường Tiểu học Hiệp Thành (TP.Thủ Dầu Một), những ngày tuyển sinh đầu cấp, chúng tôi thấy ban giám hiệu túc trực thường xuyên để giải quyết những vấn đề phát sinh trong tuyển sinh. Với thái độ nhỏ nhẹ, ân cần, cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng nhà trường hướng dẫn phụ huynh bổ sung thêm một số thủ tục cho con em. Cô cho biết, do số HS thuộc diện tạm trú luôn biến động nên rất khó dự báo. Theo thống kê của địa phương chỉ có 5 trường hợp HS thuộc diện này, nhưng thực tế số HS ra đăng ký đã trên 100 em. HS gia tăng mỗi năm, số lớp cứ “phình” ra, nhưng trường vẫn cố gắng sắp xếp chỗ học cho tất cả HS.
Theo kế hoạch tuyển sinh năm học 2015-2016, trong tuần lễ đầu của tháng 7 các trường nhận hồ sơ đăng ký vào lớp 1, nhưng thực tế đến thời điểm hiện tại rải rác vẫn còn phụ huynh đến đăng ký nhập học cho con. Chị Nguyễn Thị Gái Loan vui mừng khi vừa xin được cho con vào học lớp 1 tại trường Tiểu học Phú Lợi (TP. Thủ Dầu Một). Chị chia sẻ, vợ chồng chị từ miền Tây lên đây lập nghiệp. Năm trước anh chị gửi con gái ở quê cho mẹ, nhưng nay quyết định đưa con lên cùng để tiện việc chăm sóc. Chị vui mừng khi được trường đồng ý tiếp nhận cháu vào học.
TX.Bến Cát cũng là một trong những địa phương sốt nóng trong các mùa tuyển sinh, chủ yếu là ở những trường tập trung đông dân lao động và nhiều công ty xí nghiệp. Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa tuyển sinh thì ban giám hiệu trường Tiểu học Mỹ Phước lại càng lo hơn, vì 80% HS của trường là HS ngoài tỉnh. Theo Hiệu trưởng Ngô Thành Mẫu, chỉ riêng HS lớp 1, chỉ tiêu có 10 lớp với 350 em, nhưng thực tế hiện tại có 655 HS. Trước tình thế cấp bách này, trường đã xây thêm 2 phòng học tạm, đồng thời sắp xếp thêm 2 phòng chức năng để bố trí lớp học, nhưng vẫn không đủ phòng học, nhà trường chỉ còn cách tăng sĩ số HS trong mỗi lớp.
Tiếp sức các em đến trường
Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT: Chăm lo việc học tập cho HS nói chung là trách nhiệm của ngành giáo dục và toàn xã hội. Hàng năm số HS tăng thêm hàng chục ngàn em, trong đó chủ yếu là HS ngoài tỉnh. Dù tỉnh, các huyện, thị, thành phố đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp so với số HS tăng thêm. Tuy vậy, ngành cũng cố gắng sắp xếp để tất cả các em đều được đến trường trong năm học mới, dù là HS địa phương hay ngoài tỉnh. |
HS đến tuổi phải được đến trường, xã hội phải cùng chung sức lo cho các em. Tạo điều kiện cho các em được đi học vẫn chưa đủ, chúng ta còn phải giúp HS duy trì việc học tập. HS ngoài tỉnh đa số là con em lao động nghèo, nhiều em đầu năm học đến lớp không có đầy đủ tập vở, giấy viết, đồng phục, nhà trường phải mua tặng các em. Vào cuối năm học, ngành giáo dục cũng khuyến khích nhà trường vận động HS quyên góp sách giáo khoa cũ tặng bạn nghèo. Ngoài ra, các tổ chức kinh tế - xã hội cũng đồng hành với ngành trong việc nâng bước HS đến trường vào mỗi đầu năm học mới. Theo thống kê của Hội Khuyến học tỉnh, hàng năm có hàng ngàn suất học bổng do hội khuyến học các cấp trao tặng HS nghèo, trong đó có cả HS ngoài tỉnh.
Thầy Ngô Thành Mẫu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Mỹ Phước cho biết, dù bận rộn với việc tuyển sinh nhưng nhà trường không quên việc chăm lo cho HS nghèo. Hiện nay, UBND phường Mỹ Phước và Hội Chữ thập đỏ phường đang rà soát số HS khó khăn để lên kế hoạch tặng quà, học bổng cho các em nhân dịp tựu trường.
Trường THCS Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một) cũng có số HS ngoài tỉnh chiếm khá cao. Lo cho HS nghèo nói chung, vào các dịp khai giảng, tổng kết năm học và Tết Nguyên đán, nhà trường thường vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tặng quà, học bổng cho HS. Cảm động hơn, có giáo viên còn trích một phần lương và vận động người thân tặng quà cho các em. Chính những ân tình đó đã tiếp thêm động lực để HS ngoài tỉnh phấn đấu vươn lên trong học tập. Em Phạm Thị Hồng Châu, HS trường THCS Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một), là HS thuộc diện tạm trú, hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, mẹ góa, con côi. Dù vậy em không hề đơn lẻ mà luôn nhận được sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, nhờ đó em đã nỗ lực học giỏi. Hàng năm, em được nhà trường khen thưởng và được các nhà hảo tâm trao tặng học bổng. Với em, đó là niềm vui, hạnh phúc khi được cộng đồng xã hội sẻ chia.
Với sự quan tâm của toàn xã hội, năm học 2015-2016 tất cả HS con em lao động ngoài tỉnh, những cư dân mới của Bình Dương vững tâm tiếp bước đến trường để sau này góp phần xây dựng quê hương Bình Dương ngày càng giàu mạnh.
A.SÁNG