Hiện trên địa bàn tỉnh có hàng trăm cơ sở sản xuất gốm sứ nhỏ lẻ đang hoạt động tại các khu dân cư. Một số địa phương trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động các cơ sở này chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời cơ sở ra khỏi khu dân cư để phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương.
Nhiều cơ sở gốm trong tỉnh đang sản xuất theo hướng quy mô, tập trung, sử dụng công nghệ tiên tiến. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Phước Dũ Long. Ảnh: PHÙNG HIẾU
Bảo tồn, phát huy ngành gốm
Vừa qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Thủ Dầu Một đã xây dựng kế hoạch bảo tồn lò gốm có hàng trăm năm tuổi - Lò lu Đại Hưng. Cơ sở này được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 4715/QĐ-UBND.
Từng trải qua những thời điểm khó khăn tưởng chừng không thể trụ vững trên thị trường, nhưng hiện nay Lò lu Đại Hưng vẫn tồn tại và vẫn giữ cách thức sản xuất gốm thủ công truyền thống (không sử dụng máy móc, kỹ thuật hiện đại, trừ khâu làm đất). Sản phẩm của lò lu này có màu sắc cổ điển; nguyên vật liệu được khai thác tại địa phương và sử dụng chất đốt bằng củi.
Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 300 cơ sở sản xuất gốm, mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 130 - 150 triệu sản phẩm các loại. Bình Dương là một trong những tỉnh có ngành gốm sứ phát triển, với giá trị xuất khẩu khoảng 150 triệu USD/ năm và thị trường tiêu thụ nội địa 70 triệu USD/ năm. |
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng của TP.Thủ Dầu Một đã tổ chức triển khai kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường đối với 13 cơ sở sản xuất gốm sứ trên địa bàn phường Hiệp An, phường Tương Bình Hiệp và báo cáo tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch di dời hoặc chuyển đổi công năng sản xuất đối với các cơ sở nói trên. Đồng thời, cơ quan chức năng của thành phố đã tuyên truyền, vận động 12 cơ sở ngưng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển của thành phố hoặc di dời cơ sở gốm sứ ra khỏi khu dân cư trên địa bàn.
Từ năm 2007, các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện Quyết định số 18/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành chính sách hỗ trợ di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề. Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ là các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất gốm sứ nằm trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An và TX.Tân Uyên.
Địa điểm đầu tư mới của các cơ sở sản xuất gốm sứ được bố trí tại Cụm công nghiệp Đất Cuốc (huyện Bắc Tân Uyên) và các địa điểm khác theo quy định tại Quyết định số 181/2006/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Riêng TX.Thuận An, từ năm 2007 đến nay đã có hàng chục cơ sở gốm sứ buộc phải di dời khỏi các khu dân cư có mật độ cư dân đông bởi không bảo đảm điều kiện môi trường. Tuy vậy, hiện vẫn còn không ít cơ sở gốm sứ sử dụng công nghệ lạc hậu, gây bất an đối với người dân.
Tăng cường tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm
Ghi nhận tại một số cơ sở sản xuất gốm sứ nhỏ lẻ trên địa bàn TX.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một... cho thấy vẫn còn có cơ sở dùng củi nung lò; có những lò chỉ hoạt động cầm chừng do sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, thiếu thị trường, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng... nên lợi nhuận không cao, hiệu quả kinh tế không rõ nét.
Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Phước Dũ Long, cho biết các lò gốm nhỏ lẻ chưa theo kịp dòng chảy của thị trường. Nhiều sản phẩm của các cơ sở này đã trở nên lỗi thời, lạc hậu... nên đầu ra không ổn định; đa phần nhận gia công cho các cơ sở lớn. Việc sắp xếp hoặc chuyển đổi ngành nghề các lò gốm này là cần thiết, giúp ngành gốm của tỉnh nâng cao sức cạnh tranh và đưa việc sản xuất gốm sứ theo hướng chuyên nghiệp, bài bản hơn.
Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết không riêng gì ngành gốm sứ, chủ trương của tỉnh là dứt khoát di dời các cơ sở sản xuất tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Đối với một số cơ sở gốm sứ nhỏ lẻ hiện nay, các cơ quan, ban ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động các cơ sở này chuyển đổi ngành nghề hoặc thay đổi công nghệ cho phù hợp với tình hình mới. Đối với các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng sẽ bị xử lý theo đúng quy định.
XUÂN VĨ