Khi niềm tin bị “đánh cắp”

Cập nhật: 25-08-2011 | 00:00:00

Thời gian qua, câu cửa miệng của người tiêu dùng trong nước mà đi đâu cũng nghe nói là 2 từ: Tăng giá! Cái gì cũng tăng, có những hàng hóa còn tăng chóng mặt rồi lên “cơn sốt”, đặc biệt là vàng. Điều lạ lùng ở chỗ, hàng hóa, dịch vụ cứ tăng đợt nào là lại tiếp tục thiết lập một mặt bằng giá mới, nghĩa là tăng nhưng không giảm. Phải chăng, niềm tin của cả người mua và người bán đang bị “đánh cắp”?

Ra chợ, mua bất cứ một món hàng nào, người dân đều cảm thấy túi tiền của họ như đang bị “móc trộm” vì “bây giờ lấy hàng vào giá cao lắm, xăng dầu tăng thế mà”. Vào siêu thị mua hàng những tưởng hàng hóa được bán theo giá niêm yết rõ ràng, giá thì niêm yết đó nhưng chỉ vài ngày sau quay lại, đã thấy giá niêm yết được thay đổi theo chiều hướng tăng lên vì “giá đầu vào tăng”. Đó là những giải thích mà khi mới nghe thì có vẻ rất hợp lý với khái niệm cơ chế thị trường, nghĩa là giá cả tuân theo quy luật cung cầu hàng hóa. Thế nhưng, khi Chính phủ đang quyết liệt thực hiện kiềm chế lạm phát, các yếu tố đầu vào những tháng qua có thể coi là ổn định, giá xăng dầu, điện nước... đều không tăng vậy mà giá hàng hóa, dịch vụ lại cứ tăng chóng mặt. Như vậy, việc tăng giá chủ yếu là do yếu tố tâm lý, tình trạng “té nước theo mưa” mà ra. Hỏi chuyện các chuyên gia kinh tế rằng, tại sao lại xuất hiện hiện tượng tâm lý, “té nước theo mưa”, biết rằng nguyên nhân là do niềm tin của đám đông về giá cả đang bị lung lay. Phải chăng niềm tin đang bị “đánh cắp”?

Bây giờ, khi niềm tin đang bị lung lay, người ta đổ xô đi đặt niềm tin vào vàng vì từ lâu, vàng là duy nhất có thể bảo toàn giá trị cũng như giữ vững được niềm tin. Thành ra, sau cơn sốt vàng đầu tháng 8, những tưởng giá vàng sẽ chí ít dừng lại ở đỉnh đó một thời gian sau khi có những biện pháp can thiệp từ Ngân hàng Nhà nước. Thế nhưng, chỉ sau vài ngày giá vàng lại tiếp tục tăng. Đến nay, giá vàng đã đạt mốc gần 49 triệu đồng/lượng. Vậy nên, người ta ví von rằng, vàng là thước đo của niềm tin, nghĩa là giá vàng còn tăng, lúc đó người dân mất niềm tin vào giá cả, niềm tin sẽ được củng cố khi giá vàng hạ nhiệt.

Các chuyên gia cho rằng, để tạo lại niềm tin của người tiêu dùng vào giá cả hàng hóa dịch vụ trong thời điểm nước sôi lửa bỏng này là một mệnh đề khó, cần có những biện pháp trong ngắn hạn và dài hạn. Trước mắt, công tác quản lý thị trường cần phải quyết liệt thực hiện để ngăn chặn tình trạng giá tăng theo tâm lý, “té nước theo mưa”. Về lâu về dài, cần những giải pháp căn cơ từ các nhà hoạch định vĩ mô để tiền đồng tạo được niềm tin, có như vậy, niềm tin về giá cả mới có thể quay trở lại.

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên