Được quy hoạch trở thành vùng kinh tế trọng điểm phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện, xã Long Hòa (huyện Dầu Tiếng) đã và đang huy động toàn lực hỗ trợ người dân đổi mới, nâng cấp, mở rộng quy mô các trang trại chăn nuôi. Cùng với việc thường xuyên tổ chức các khóa học nghề, tập huấn kỹ năng canh tác nông nghiệp công nghệ cao, thời gian qua xã Long Hòa đã hỗ trợ nhiều nông hộ tiếp cận các chương trình, chính sách, nguồn vốn tín dụng ưu đãi giúp người dân có cơ hội mở rộng hoạt động chăn nuôi, dần tiến tới mô hình trang trại khép kín. Chất lượng cuộc sống nâng cao, nhiều nông hộ cũng từ đây trở nên giàu có.
Tìm về trang trại tổng hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Minh Tấn (Hai Tấn) ở ấp Long Thọ, chúng tôi ghi nhận sự khá giả của người chủ trang trại này và đổi thay trông thấy của người dân nơi đây. Hỏi ra mới biết, trong quá trình chuyển đổi mô hình nông nghiệp từ truyền thống sang hướng ứng dụng công nghệ cao, thi thoảng các nông hộ trên địa bàn cũng gặp những khó khăn như chưa tiếp cận khoa học kỹ thuật, thiếu vốn, chưa tìm được đầu ra ổn định… May mắn thay những lúc đó chính quyền địa phương luôn kề vai sát cánh, hỗ trợ. Đó cũng là yếu tố then chốt giúp nền kinh tế chăn nuôi ở Long Hòa đang khởi sắc từng ngày.
Bà Trần Thị Mỹ Ngưng, chủ trang trại gà ở ấp Đồng Bà Ba, xã Long Hòa, gương nông dân vượt khó thành công trên địa bàn cho biết thời điểm mới khởi nghiệp với nguồn vốn tự có và kinh nghiệm chăn nuôi truyền thống, đàn gà thường xuyên bị dịch bệnh, chậm lớn và không có năng suất. Tuy nhiên, kể từ khi được chính quyền địa phương hỗ trợ tiếp cận khoa học kỹ thuật và nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi, công việc làm ăn của gia đình bà đã trở nên ổn định hơn. Đến nay, đàn gà của gia đình bà Ngưng đã lên đến 4.000 con, có thị trường tiêu thụ ổn định, thu nhập bình quân sau khi trừ hết chi phí ước tính trên 250 triệu đồng mỗi năm.
Ông Võ Trung Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Hòa, cho biết nhờ vào các chính sách ưu đãi hỗ trợ nông dân mà đến nay đã có nhiều nông hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Cũng là chăn nuôi heo, gà, bò… nhưng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thị trường ổn định nên thu nhập của người dân đã tăng lên đáng kể. Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết chủ trương của huyện là vận động người dân thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp để nâng cao hiệu suất canh tác và tạo vùng đặc sản trên địa bàn. Để hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian tới huyện sẽ làm hết mình để hỗ trợ người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, nguồn vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước nâng cao thương hiệu nông sản, súc sản Dầu Tiếng trong chuỗi cung ứng thị trường
KHÁNH LINH