Khó khăn và những kiến nghị từ ngành gỗ

Cập nhật: 25-10-2012 | 00:00:00

Bình Dương là tỉnh đứng đầu cả nước về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Toàn tỉnh hiện có 537 doanh nghiệp (DN) thuộc ngành gỗ. Trong 9 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) ngành gỗ ước đạt 1.003 triệu USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ, chiếm 13,3% tổng KNXK của tỉnh và chiếm 32,3% tổng KNXK ngành gỗ cả nước. Mặc dùcó những thuận lợi nhất định, nhưng nhiều DN gỗ vẫn đang loay hoay với bài toán đầu vào và chi phí sản xuất...  

Chế biến ván sàn xuất khẩu

Từ đầu năm đến nay, các DN gỗ tuy ký được đơn hàng với đơn giá có tăng, nhưng do chi phí đầu vào tăng và lãi vay ngân hàng còn cao, khiến nhiều DN chế biến gỗ rơi vào tình trạng không có lãi. Khó khăn lớn nhất của các DN gỗ là nguồn nguyên liệu. Hiện ngành gỗ phải nhập đến 80% nguyên liệu từ nước ngoài, chủ yếu là từ Campuchia và Lào, trong khi nguồn gỗ nguyên liệu tại các nước này đang cạn kiệt dần. Còn nguồn gỗ xẻ nhập từ Malaysia và Indonesia hiện đang tạm đóng cửa. Do vậy, giá nhiều loại gỗ đã tăng bình quân 5 - 7%, đặc biệt gỗ cứng tăng tới 30 - 40%. Mua được nguyên liệu đã khó, việc kê khai nguồn gốc gỗ nhập và xuất còn khó hơn. Nguồn gỗ nguyên liệu khi được nhập về phải có bảng kê rõ ràng, sau khi làm ra thành phẩm xuất đi cũng phải có bảng kê phù hợp với số lượng gỗ nhập về. Từ khi Thông tư 01 của Bộ NN-PTNT, về kiểm tra nguồn gốc lâm sản ra đời, DN lại càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước, cũng như nhập khẩu. Nhiều DN thiếu nguyên liệu để sản xuất và tốn nhiều công sức trong quá trình kê khai theo Thông tư 01 đành trễ hợp đồng!

Ngoài ra, các DN ngành gỗ còn đối mặt với các khó khăn về quy mô sản xuất, trình độ công nghệ còn lạc hậu và bán hàng qua trung gian (chiếm 90% lượng sản phẩm). Nguyên nhân là do đa số các DN trong ngành gỗ đều là DN vừa và nhỏ, yếu về năng lực quản lý, thiếu vốn để đầu tư công nghệ chế biến gỗ hiện đại…

Trước tình hình khó khăn chung của các DN ngành gỗ, ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho biết: “Chúng tôi đang chờ các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ thị trường từ phía Nhà nước, đặc biệt là giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn. Hầu hết các DN gỗ đang mong chờ Nhà nước có chính sách hỗ trợ về vốn, nhất là được tiếp cận các nguồn ngoại tệ với lãi suất thấp”. Ông Thanh cũng đề nghị ngành ngân hàng nên giải quyết cho DN gỗ vay tín chấp căn cứ vào các hợp đồng đã có điều khoản thanh toán, không nên chỉ căn cứ vào các hợp đồng đã mở L/C hoặc D/P.

Hiện tại, các DN gỗ có nhiều khách hàng đến từ Mỹ, nên rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng về thông tin thị trường và hỗ trợ về chuyên môn để tránh các vụ kiện chống bán phá giá có thể xảy ra tại thị trường này. Theo ông Huỳnh Quang Thanh, trong giai đoạn kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn như hiện nay, các DN gỗ Việt Nam có thể tận dụng thời cơ để đầu tư máy móc hiện đại với chi phí rất thấp. Nhiều DN gỗ của các nước Đức, Ý đang chào bán máy móc chế biến gỗ với giá chỉ bằng 1/10 giá gốc. Do vậy, đề nghị phía ngân hàng Nhà nước sớm xây dựng phương án hỗ trợ vốn để các DN gỗ Việt Nam có thể vay vốn đầu tư mua sắm máy móc nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=443
Quay lên trên