Từ năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3210 phê duyệt Đề án “Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) nằm ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương”. Sau 5 năm thực hiện đề án, tỉnh đang đẩy mạnh việc xây dựng chính sách hỗ trợ DN di dời, chuyển đổi công năng. Đây thực sự là kế hoạch lớn, khó và hết sức quan trọng của tỉnh.
Theo Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có số lượng DN phải thực hiện di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là rất lớn, chiếm 71% số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp. Trong đó, chủ yếu tập trung ở TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Tân Uyên và TX.Bến Cát với các ngành nghề phổ biến là sản xuất sắt thép, cơ khí, hóa chất, da giày…
Mục tiêu cuối cùng của việc di dời vẫn là xây dựng một Bình Dương phát triển bền vững, tạo mỹ quan đặc trưng cho khu vực phát triển, cải thiện môi trường, hạn chế ô nhiễm… nên nhận được sự đồng thuận của rất nhiều DN. Tuy vậy, cần giải quyết vấn đề DN đi đâu? Đất đai được chuyển đổi như nào? Chính sách về lao động để sản xuất…?
Để nắm bắt những khó khăn của DN khi di dời, tỉnh cũng nhiều lần đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của DN. Tỉnh cũng xác định rõ những khó khăn liên quan khi thực hiện di dời, giao cho các sở ngành tính toán các khoản chi phí hỗ trợ liên quan về thuế, tiền thuê đất cho DN, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội… để hỗ trợ cho DN và người lao động.
Đích đến cuối cùng của di dời, chuyển đổi để DN phát triển mạnh và bền vững hơn. Chính vì thế trong thời gian chờ hoàn thiện chính sách, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh cần tạo điều kiện tối đa cho DN hoạt động sản xuất, làm thế nào để vừa có sự đồng thuận của DN, hợp lòng người dân, vừa đúng chủ trương phát triển của tỉnh.
KHẢI ANH