Xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương đang tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Và trong đó, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng, tạo tiềm lực để đột phá, là chìa khóa để tỉnh thu hút đầu tư trong tương lai.
Sinh viên nghiên cứu tại phòng thí nghiệm chế tạo của Trung tâm Sáng kiến cộng đồng, Sở Khoa học và Công nghệ. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Nền tảng đổi mới sáng tạo
Để thúc đẩy khởi nghiệp, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 31-7-2019 về việc giao Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh thực hiện đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh để cụ thể hóa Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11-3- 2018 của Chính phủ. Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2513/QĐ-UBND ngày 20-9-2017 thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Các văn bản này được xem là nền tảng ban đầu để hỗ trợ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của tỉnh trong thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển các doanh nghiệp tri thức, hướng đến xây dựng thành phố thông minh, ngày 19-3-2018 UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh. Trung tâm sẽ là không gian mở, phục vụ miễn phí cho người dân, cộng đồng và doanh nghiệp trong tỉnh.
Thông qua các hoạt động tại trung tâm, những ý tưởng khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ, các sáng kiến phát triển thành phố thông minh, các thử nghiệm thực tế sẽ được triển khai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hình thành cộng đồng sáng tạo. Trung tâm không chỉ là một không gian với rất nhiều văn phòng và thiết bị đẹp, mà còn là nơi thực hiện các kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp trong cả nước và thế giới, kết nối với các tổ chức quốc tế trong việc phát triển tỉnh nhà theo định hướng thông minh.
Thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp
Khởi nghiệp sáng tạo là một trong những nội dung quan trọng tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis) 2019 vừa diễn ra tại Bình Dương. Ông Rajeev Singh, Tổng Giám đốc Hiệp hội Thương mại Ấn Độ, cho biết Bình Dương đang phát triển vườn ươm doanh nghiệp cũng như khuyến khích startup. Để phát triển mạnh hơn tỉnh Bình Dương cần khuyến khích các ý tưởng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, đó là một trong những nền tảng của sự phát triển.
Để có thể đổi mới và sáng tạo cần một cơ cấu đúng, trong đó bao gồm các trường đại học - viện, chính quyền và các ngành kinh tế, quan trọng nhất sự cấp vốn. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc phát triển một môi trường mà các nhà sáng tạo có đủ điều kiện để nghiên cứu, thí nghiệm những ý tưởng mới, học hỏi lẫn nhau, nhận được sự đào tạo chuyên nghiệp. Mặt khác, cơ cấu đúng này cóthể hỗ trợ những ý tưởng mới tìm đến nguồn vốn và nhà đầu tư, hỗ trợ họ đưa sản phẩm ra thị trường…
Ông Sai Prakash, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Erin Foundation (Ấn Độ), cho biết cách đây 3 năm ở Việt Nam khởi nghiệp chỉ là bước đầu. Đến nay, tại Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng tinh thần khởi nghiệp phát triển rất mạnh mẽ nhờ vào tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phát triển công nghệ mới và người dân có tinh thần cầu tiến; còn chính quyền địa phương cởi mở, luôn tạo điều kiện để phát triển khởi nghiệp. Đặc biệt, Bình Dương đã rất chú trọng đào tạo con người và những kỹ năng có thể tiếp cận môi trường quốc tế mới. Nếu Bình Dương phát triển mạnh hơn nữa kỹ năng kết nối sẽ tạo ra mạng lưới rộng lớn và khi được chia sẻ thì tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng sẽ càng phát triển.
Theo ông Nick Jonow, Tập đoàn Tư vấn Thái Bình Dương (Hong Kong), Việt Nam có dân số trẻ, trình độ cao, có cơ sở hạ tầng tốt vốn cóthể tận dụng tốt những lợi thế từ cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ đang diễn ra. Đối với Bình Dương, những gì ông đang thấy hôm nay là một thành phố mới năng động, phát triển. Bình Dương là nơi có nhiều khu công nghiệp; việc phát triển đổi mới sáng tạo sẽ góp phần thu hút các doanh nghiệp tìm đến đầu tư.
PHƯƠNG LÊ