Khởi nghiệp ở tuổi 61

Cập nhật: 29-11-2017 | 08:32:56

Nước ta có lợi thế về nông nghiệp nên nhu cầu về phân bón rất lớn. Tuy vậy, phần lớn nhà nông, nhà doanh nghiệp kinh doanh phân bón thường đặt lợi ích lên trên hết mà ít quan tâm đến tác dụng hữu cơ giữa phân bón với đất và cây trồng. Bằng kiến thức, kinh nghiệm và lòng yêu nghề, ở tuổi 61, ông Nguyễn Trung đã chọn con đường khởi nghiệp riêng của mình.

 

 Kỹ sư Nguyễn Trung bên một vườn thanh long của người dân ở Bình Thuận. Ảnh: DUY CHÍ

 “Phá vỡ” cách làm truyền thống

Nhận nhiệm vụ giám đốc bán hàng của Xí nghiệp Xử lý chất thải thuộc Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) chỉ sau 3 tháng, ông Nguyễn Trung phải hoạt động hết “công suất” mới lo đủ hàng cung cấp cho thị trường. Ông chia sẻ, sau khi nắm kỹ thành phần, thế mạnh của sản phẩm phân bón Con Voi Bình Dương do Biwase sản xuất, chế biến từ rác, ông đã tổ chức mang phân bón về tận ruộng cho nông dân dùng thử. Sau 1 vụ thấy có kết quả, nhà nông tìm đến các đại lý phân bón Con Voi Bình Dương gần nhất tìm mua về sử dụng.

Từng giữ vị trí quan trọng tại nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, ông Trung biết rất rõ các chiêu thức mà doanh nghiệp, nhà phân phối thường sử dụng qua câu nói “Lợi ích là trên hết”. Cụ thể, ở các nhà phân phối, dù không nói ra nhưng ai cũng biết câu hỏi mà họ đặt ra với các doanh nghiệp trước khi kết thúc đàm phán hợp tác là “hoa hồng”, chiết khấu bao nhiêu phần trăm; còn được ưu đãi gì thêm? Nếu chiết khấu, “hoa hồng” cao, ưu đãi hấp dẫn thì sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp sẽ được ưu tiên trưng bày ở những vị trí thuận lợi, đẹp mắt, khách hàng dễ tiếp cận, lựa chọn.

Trên 30 năm gắn bó với đồng ruộng, nhà nông, đã viết nhiều tài liệu, sách vở hướng dẫn nông dân từ kỹ thuật canh tác đến cách sử dụng phân bón kết hợp phòng trừ dịch hại tổng hợp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, ông Trung đã được nhiều bà con nông dân khu vực phía Nam biết đến. Ông Trung tâm tình, từ sự tín nhiệm của bà con nông dân, ông đã đưa ra chiến lược bán hàng không giống với nhiều nhà kinh doanh khác. Đó là, người bán hàng được đại lý, nhà phân phối chào đón thay vì người bán hàng đi chào đón các đại lý, nhà phân phối. Do ông rất rành về phân bón,  kỷ thuật nông nghiệp và việc buôn bán với yêu cầu chung là cùng mang lại lợi ích cho tất cả các bên. 

Ông Trung chia sẻ, ông được lãnh đạo Xí nghiệp Xử lý rác thải của Biwase tìm đến tận nhà mấy lần mời ra hỗ trợ công tác kinh doanh phân bón cho đơn vị. Nghĩa cử đó đã gợi lại trong ông lòng yêu nghề, nhớ nhà nông. Nhưng để bắt tay vào làm việc, ông yêu cầu lãnh đạo xí nghiệp phải cung cấp đủ hồ sơ khoa học của sản phẩm để ông có đủ niềm tin trở lại thị trường. Khi đó, lãnh đạo xí nghiệp đã khẳng định, phân bón Con Voi Bình Dương cùng nhiều sản phẩm hữu ích khác như vật liệu xây dựng, nhựa tái chế, chất đốt… được sản xuất từ rác thải. Để sản phẩm ra được thị trường, xí nghiệp phải bảo đảm các thủ tục pháp lý cần thiết. Phân bón Con Voi Bình Dương đã được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.

Tự tin khởi nghiệp

Khi chưa thành lập Phòng Kinh doanh, Xí nghiệp Xử lý rác thải phải cử cán bộ đến các địa phương có thế mạnh về nông nghiệp để phối hợp với Hội Nông dân cùng tuyên truyền hướng dẫn nhà nông sử dụng với phí “hoa hồng” chiếm đến 30%. Khi ông Trung về tiếp nhận vị trí giám đốc bán hàng, ông chỉ nhận 10% “hoa hồng” và tổ chức luôn bộ máy bán hàng do ông trả lương bằng chính “hoa hồng” bán hàng mang lại. 20% dôi ra được xí nghiệp dùng để đầu tư nghiên cứu, nâng cấp hệ thống sản xuất, bao bì và hỗ trợ nông dân thực hiện các chương trình nâng cao chất lượng, chuyển đổi giống cây trồng…

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Biwase cho biết, khởi nghiệp từ rác, Biwase đã sản xuất ra nhiều sản phẩm hữu ích phục vụ thị trường. Nhờ có đội ngũ cán bộ tốt đã tạo ra hệ thống khởi nghiệp bắt nguồn từ hệ sinh thái kinh tế mà công ty đang vận hành. Với sự tự tin, nhạy bén tiếp cận thị trường, Phòng Kinh doanh phân bón đã phát triển thành một doanh nghiệp đầu mối chuyên nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ theo hướng ứng dụng công nghệ cao để phát triển bền vững.

Với vai trò điều hành bộ máy kinh doanh khởi nghiệp, ông Trung chia sẻ làm kinh doanh phải gắn với lợi nhuận. Ông quan niệm và chia sẻ với nhân viên về câu chuyện có thật của bản thân. Đó là lần ông được mời làm thư ký tòa án. Khi kết thúc phiên xét xử, người nhà của bị đơn đã tìm gặp ông để gửi phong bì cảm ơn. Ông từ chối không được nên nhận và nộp lại cho tổ chức, sau đó tổ chức họp và nhắc nhở chung đại ý: Cuộc sống trước mắt luôn có một ngân hàng hữu hình và một ngân hàng vô hình. Nếu mình giúp ai đó, người đó biết ơn và đền đáp bằng tiền thì rất giống một cuộc mua bán, trả tiền, hết việc. Nhưng nếu ta biết từ chối để người được người giúp mang ơn chúng ta thì khi nào chúng ta có dịp gặp lại đều được người đó mừng rỡ chào đón như người ơn. “Bài học này tạo cho tôi sự tự tin trong khởi nghiệp và được tôi vận dụng như một chiến lược cạnh tranh trong kinh doanh”, ông Trung tâm tình.

 Sinh ra tại Bà Điểm, Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, ông Nguyễn Trung được phân công về làm phóng viên phụ trách mảng nông nghiệp của một tờ báo lớn tại TP.Hồ Chí Minh. Ông đã viết nhiều tài liệu, sách hướng dẫn nhà nông cách thức chăm sóc, bón phân cho từng loại cây trồng. Ông được nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón nổi tiếng mời về phụ trách kỹ thuật kiêm tổ chức bán hàng. Cho đến khi nghỉ hưu, ông mới chính thức nhận nhiệm vụ Giám đốc kinh doanh phân bón Con Voi Bình Dương của Xí nghiệp Xử lý rác thải trực thuộc Biwase.

 DUY CHÍ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1591
Quay lên trên