Khi mới khởi nghiệp ai cũng muốn mình thành công. Tuy nhiên, để đạt được thành công, người khởi nghiệp trước hết phải có đam mê và kiến thức về lĩnh vực mình dự định làm.
Với niềm đam mê và hiểu biết về lĩnh vực mình làm, anh Đoàn Lai Uyên đã thành công trong việc nhân giống lan rừng bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Cần lắm niềm đam mê!
Ông Trần Tiến Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại Quang Minh (phường Thới Hòa, TX.Bến Cát) bắt đầu khởi nghiệp từ luận văn tốt nghiệp. Với niềm đam mê nghề thủ công từ nhỏ và nhận thấy tiềm năng của cây lục bình, ông Nam đã chọn việc phát triển các sản phẩm từ cây lục bình làm luận án tốt nghiệp đại học ngành kinh tế. “Khi tôi đưa ra đề tài này, giáo viên hướng dẫn nói là phi lý, thiếu tính thực tế và khi bảo vệ tôi cũng được điểm thấp nhất trong các đề tài. Nhưng chính cái phi thực tế đó lại đem đến thành công cho tôi sau này”, ông Nam chia sẻ.
Với niềm đam mê, kiên trì và nhiệt huyết của mình, đến nay các sản phẩm của Công ty Quang Minh đã có mặt tại thị trường các nước châu Âu, Hoa Kỳ… với các sản phẩm như bàn, ghế, tủ, chậu, giỏ, túi xách… bằng lục bình, tre, mây, guột… Mỗi năm, công ty sản xuất và tiêu thụ hơn 18.000 sản phẩm, doanh thu trung bình 600.000 - 900.000 USD/năm.
Còn đối với anh Đoàn Lai Uyên (xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng) lại có duyên với nghề trồng trọt, dù anh là giáo viên. Giờ đây về xã Lai Uyên, nói đến Đoàn Lai Uyên nhiều người đều biết. Anh Uyên chia sẻ, anh thích hoa lan rừng từ lúc còn trẻ. Sau một thời gian tham gia công tác giáo dục, anh đã quyết định chuyển sang trồng lan rừng theo hướng công nghiệp. Theo anh, đây là quyết định rất mạo hiểm vào thời điểm đó.
Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm trồng lan nên anh Uyên gặp khá nhiều khó khăn. Sau gần 5 năm mày mò, nghiên cứu kỹ thuật trồng lan và tham quan các mô hình trồng lan rừng ở nhiều địa phương khác anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Nhờ vậy, đến nay việc trồng và chăm sóc lan rừng của anh đạt kết quả cao, tỷ lệ cây sống từ 90 - 100%. Đặc biệt, anh đã thành công trong việc nhân giống lan rừng bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. “Ông bà ta nói: “Thua keo này bày keo khác”. Nếu không có đam mê thì sau vài lần thất bại sẽ bỏ cuộc”, anh Uyên tâm tình.
Hiểu biết lĩnh vực mình làm
Xuất thân là nhân viên của Công ty Saigon Petro (SP), thông qua những kiến thức đã được học và quá trình công tác, ông Nguyễn Phước Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Hoài Phương (phường An Thạnh, TX.Thuận An) đã mạnh dạn đăng ký làm đại lý phân phối sản phẩm của SP tại khu vực miền Đông Nam bộ.
Ông Bình cho biết, khi khởi nghiệp trước hết phải xây dựng niềm tin cho chính mình là sẽ làm được. Nhiều người học quản trị kinh doanh cho rằng sau khi học xong sẽ làm giám đốc hay trưởng phòng kinh doanh, nhưng để thành công phải đi từng bước. “Ngay bản thân tôi, ban đầu chỉ là nhân viên tiếp thị, qua công việc đã giúp tôi tìm ra các phương án tiếp cận thị trường có tính khác biệt so với người khác, điều đó mới giúp mình thành công. Còn mình giống như họ thì khó thành công, vì khách hàng luôn luôn mong đợi những lợi ích tốt nhất đem lại cho họ”, ông Bình nói.
Để đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ ra thị trường quốc tế, Công ty Quang Minh đã xây dựng niềm tin với các đối tác. Ông Nam chia sẻ, làm ăn với đối tác nước ngoài quan trọng nhất là sự trung thực. Họ muốn biết đầy đủ thông tin về hàng hóa cũng như năng lực sản xuất thực sự để có thể hoạch định công việc. Nếu sợ mất khách hàng mà nói quá khả năng của mình thì rất dễ bị họ tẩy chay và dẫn đến thất bại.
Còn theo ông Bình, để thành công phải luôn tự đổi mới mình để theo kịp sự thay đổi của nền kinh tế thị trường. Thông qua việc nắm bắt diễn biến của thị trường để sản phẩm người khởi nghiệp làm ra có điều kiện cọ xát với nhiều khách hàng khác nhau. Điều đó sẽ đem lại nhiều bài học quý giá để người khởi nghiệp đưa ra các phương án phục vụ khách hàng tốt hơn.
HOÀNG PHẠM