“Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Cập nhật: 11-06-2018 | 08:20:01

Hưởng ứng phong trào thi đua (PTTĐ)“Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Bình Dương đã ra sức chung tay vì người nghèo. Nhiều nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều ngôi nhà đại đoàn kết, mái ấm công đoàn, mái ấm tình thương và những phần quà ý nghĩa đã đến tay người nghèo…

Để hưởng ứng PTTĐ “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4741/KH-UBND ngày 24-10-2017 về PTTĐ “Bình Dương chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2017-2020. PTTĐ đã lấy người nghèo làm trọng tâm, không lãng quên để người nghèo bị bỏ lại phía sau trong quá trình tiếp cận các chính sách giảm nghèo. Phong trào đã được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, với hình thức đa dạng, nội dung phong phú, thiết thực, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi ngành, địa phương; phát huy tinh thần tự nguyện, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân.

 Mô hình “Đầm ấm yêu thương” của Hội LHPN xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng. Ảnh: THU THẢO

Hưởng ứng PTTĐ, các sở, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể và chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa. Điểm nhấn đầu tiên là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo”; gửi thư ngỏ kêu gọi ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” đến các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả, năm 2017, MTTQ các cấp đã vận động các doanh nghiệp, nhà tài trợ, nhà hảo tâm đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” các cấp được hơn 5,6 tỷ đồng. Nguồn quỹ này đã xây dựng 76 căn nhà đại đoàn kết, trị giá trên 3,8 tỷ đồng; sửa chữa 38 căn trị giá 625 triệu đồng; trao học bổng, giúp đỡ trên 1.200 học sinh nghèo vượt khó với số tiền trên 666 triệu đồng…

Một chương trình đã thu hút được sự ủng hộ tích cực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân trong việc đóng góp kinh phí, vật chất nhằm chia sẻ với những hoàn cảnh không may trong cuộc sống, chính là chương trình “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, mà điểm nhấn là chương trình truyền hình trực tiếp “Tết vì người nghèo - Xuân Mậu Tuất 2018” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức. Bà Nguyễn Thị Lệ Trinh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cho biết năm 2018 đã có hơn 15 tỷ đồng đóng góp cho chương trình. Từ sự đóng góp này, nhiều phần quà tết đã đến tay người nghèo, nạn nhân chất độc da cam trong và ngoài tỉnh.

Để các hoạt động giúp người nghèo đi vào chiều sâu, các hội, đoàn thể còn có nhiều phong trào thiết thực. Cụ thể các cấp hội phụ nữ đã có nhiều mô hình giúp phụ nữ nghèo. Điển hình như mô hình “Đầm ấm yêu thương” Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng nhằm hỗ trợ cho người dân đang sinh sống tại làng Bè. Chị Ngô Thị Mỹ Châu, Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Hòa, cho biết vài năm trở lại đây, đời sống của người dân làng Bè đã thay đổi hẳn. Mặc dù vẫn phụ thuộc chủ yếu vào con cá nhưng không còn trôi lênh đênh theo những chiếc bè tạm bợ của lòng hồ, mà họ đã có cuộc sống ngày càng ổn định hơn. Nhà xây kiên cố cũng mọc lên ngày càng nhiều, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, làm sao để giúp chị em vươn lên là điều mà Hội LHPN xã luôn trăn trở.

Xuất phát từ thực tế đó, Hội LHPN xã Minh Hòa đã thực hiện mô hình “Đầm ấm yêu thương” trao tặng quần áo mới, cũ cho hội viên phụ nữ khó khăn tại làng Bè. Chị Ngô Thị Mỹ Châu, vui mừng cho biết: “Trong ngày ra mắt mô hình, 20 chị em hội viên phụ nữ của Hội LHPN xã đã vận động được 2.000 bộ quần áo trao tặng lại cho hội viên phụ nữ khó khăn của làng Bè. Và mô hình đang tiếp tục lan tỏa”.

Hay mô hình “Nuôi heo đất” tiết kiệm để giảm nghèo và mua bảo hiểm y tế cho cán bộ, hội viên phụ nữ của Hội LHPN huyện Phú Giáo cũng đã trở thành một điểm sáng trong phong trào phụ nữ tại địa phương. Bà Phạm Thị Hồng Thắm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Giáo, cho biết bước đầu triển khai mô hình đã có trên 93% Ban Chấp hành hội cơ sở và 100% chi hội, nuôi được 253 heo tập thể và 1.756 con heo đất cá nhân với 100% cán bộ và 10% hội viên tham gia. Năm 2017, các hội cơ sở đã khui heo thu được tổng số tiền trên 400 triệu đồng. Trong đó, gần 160 triệu được dùng mua bảo hiểm y tế cho chính cá nhân người tham gia mô hình; hơn 3,4 triệu đồng mua bảo hiểm y tế tặng cho 6 chị có hoàn cảnh khó khăn. Số tiền còn lại, hội dùng để giúp đỡ hội viên khó khăn phát triển kinh tế gia đình. Từ mô hình này, nhiều chị em đã có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết để tạo điều kiện cho chị em ổn định cuộc sống, khẳng định vị trí của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội, các cấp hội đã giúp đỡ bằng nhiều mô hình, việc làm thiết thực. Kết quả trong năm 2017, có 100% nữ chủ hộ nghèo và nữ chủ hộ cận nghèo được hội giúp đỡ vay vốn, kỹ thuật, kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. Hội cũng đã xây dựng được 22 mái ấm tình thương, 2 nhà đại đoàn kết và sửa chữa 2 mái ấm tình thương với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hội cũng thực hiện hiệu quả phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”. Với chương trình thực hành tiết kiệm 5.000 đồng tại các chi, tổ hội... đã giúp đỡ 60.000 lượt phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 4 tỷ đồng.

Với nhiều chương trình ý nghĩa của các cấp, các ngành ở Bình Dương đã “không để ai bị bỏ lại phía sau” khi tỉnh hiện không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương và ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=288
Quay lên trên