Nghị định 61/2018/NĐ-CP: Khuyến khích trả hồ sơ trước thời hạn

Cập nhật: 11-06-2018 | 08:09:35

Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành gồm 7 chương, 41 điều, có hiệu lực từ 21-6-2018 và thay thế Quyết định số 09 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương. Theo đó, nghị định khuyến khích việc trả hồ sơ trước thời hạn cho người dân.

 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP khuyến khích việc trả hồ sơ trước thời hạn cho người dân. Trong ảnh: Cán bộ “một cửa” tại UBND phường Lái Thiêu, TX.Thuận An hướng dẫn người dân điền biểu mẫu đúng để nhận hồ sơ trước thời hạn. Ảnh: H.VĂN

 Khuyến khích trả hồ sơ trước thời hạn

Điều 20 của Nghị định quy định việc trả hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC như sau: Kết quả giải quyết TTHC gửi trả cho tổ chức, cá nhân phải bảo đảm đầy đủ theo quy định mà cơ quan có thẩm quyền trả cho tổ chức, cá nhân sau khi giải quyết xong TTHC. Trường hợp hồ sơ có bản chính hoặc bản gốc đã tiếp nhận để sao chụp, đối chiếu, xác nhận tính xác thực thì cơ quan có thẩm quyền phải chuyển trả bản chính hoặc bản gốc đó cho tổ chức, cá nhân. Thời điểm trả theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Tổ chức, cá nhân nhận kết quả giải quyết TTHC theo thời gian, địa điểm ghi trên giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả. Trường hợp đăng ký nhận kết quả trực tuyến thì thông qua Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh. Kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân được lưu trữ tại Hệ thống thông tin một cửa điện tử của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ việc sử dụng, tra cứu thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật. Nghị định này khuyến khích việc trả kết quả giải quyết TTHC trước thời hạn quy định. Việc trả kết quả giải quyết TTHC trước thời hạn quy định phải được Bộ phận “một cửa” thông báo cho tổ chức, cá nhân biết trước qua tin nhắn, thư điện tử, điện thoại hoặc qua mạng xã hội được cấp có thẩm quyền cho phép.

Quy định trách nhiệm nếu hồ sơ chậm trễ, sai sót do lỗi chủ quan

Trong khi đó, Điều 21 của nghị định quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc giải quyết hồ sơ, trả kết quả hồ sơ. Trường hợp xảy ra sai sót trong kết quả giải quyết TTHC, nếu lỗi thuộc về cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan có thẩm quyền thì cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan có thẩm quyền phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hoặc đính chính sai sót và phải chịu mọi chi phí liên quan đến sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hoặc đính chính. Trường hợp hồ sơ bị mất, bị thất lạc hoặc bị hư hỏng trong quá trình giải quyết TTHC thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phối hợp với tổ chức, cá nhân có hồ sơ, giấy tờ bị mất, bị thất lạc hoặc bị hư hỏng và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để khắc phục hậu quả. Cùng với đó là xác định cơ quan, tổ chức, cá nhân đã làm mất, thất lạc, hư hỏng hồ sơ để quy trách nhiệm chi trả mọi chi phí phát sinh trong việc xin cấp lại hồ sơ, giấy tờ, các trách nhiệm khác có liên quan và xin lỗi tổ chức, cá nhân về sự cố này. Trường hợp làm mất, thất lạc, hư hỏng hồ sơ liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Hồ sơ kết quả giải quyết TTHC trả qua dịch vụ bưu chính công ích bị mất, bị thất lạc, bị hư hỏng được xử lý theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và pháp luật có liên quan.

Đánh giá phải bảo đảm nguyên tắc

Điều 27 của nghị định nêu nguyên tắc đánh giá phải khách quan, trung thực, chính xác, khoa học, minh bạch, công khai, công bằng, bình đẳng, đúng pháp luật trong việc đánh giá và công bố kết quả đánh giá; lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng và tiến độ giải quyết TTHC và kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ làm thước đo để đánh giá; bảo mật thông tin về tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, hợp tác khảo sát lấy ý kiến đánh giá. Trong khi đó, Điều 28 nêu thẩm quyền đánh giá: Cơ quan có thẩm quyền cấp trên đánh giá chất lượng giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của cơ quan, đơn vị trực thuộc. Tổ chức, cá nhân đến giao dịch, thực hiện TTHC đánh giá chất lượng và tiến độ giải quyết TTHC. Cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết TTHC tự đánh giá việc thực hiện của cơ quan mình. Văn phòng Chính phủ đánh giá việc giải quyết TTHC tại các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và tổ chức khác thực hiện đánh giá việc thực hiện TTHC thông qua việc điều tra xã hội học theo nội dung, chương trình, kế hoạch của tổ chức…

 HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=515
Quay lên trên