Khuyến công tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp

Cập nhật: 30-12-2019 | 09:43:37

Nhờ những hoạt động thiết thực, công tác khuyến công đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển thương hiệu để góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ như việc tiếp cận vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách đầu tư vào khoa học - công nghệ và các chính sách hỗ trợ khác từ chương trình khuyến công.


Nghiệm thu máy móc tại Công ty Đồ gỗ Bình Dương (TX.Tân Uyên)

Nhiều thành quả

Theo ông Phạm Thanh Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp, trong năm 2019 tổng kinh phí khuyến công được giao thực hiện là 5.419 triệu đồng, trong đó 5.119 triệu đồng của khuyến công địa phương (KCĐP) và 300 triệu đồng của khuyến công quốc gia (KCQG). Trung tâm đã hoàn thiện các đề án chi tiết trình Sở Công thương thẩm định và phê duyệt được 34 chương trình, kế hoạch, đề án KCĐP với kinh phí thực hiện là 5.119 triệu đồng; KCQG thực hiện 1 đề án, kinh phí 300 triệu đồng

Về chương trình KCQG, trung tâm đã xây dựng thuyết minh chi tiết, trình Sở Công thương thẩm định cơ sở đề án “Hỗ trợ ứng dụng dây chuyền sản xuất giấy tổ ong cho Công ty TNHH SX-TM He Vi”, phường Tân Định, TX.Bến Cát. Kinh phí đề nghị hỗ trợ 300 triệu đồng/vốn đối ứng của cơ sở là 4.838 triệu đồng. Hiện đã ký kết hợp đồng thực hiện với Cục Công thương địa phương, tổ chức nghiệm thu cơ sở vào tháng 10 và hoàn tất các thủ tục thanh quyết toán với Cục Công thương địa phương vào tháng 12-2019. Hiệu quả việc đầu tư dây chuyền sản xuất giấy tổ ong của công ty đáp ứng nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm bao bì giấy thay thế những sản phẩm bằng nylon, mút, xốp… khó phân hủy. Giấy tổ ong của công ty sản xuất thân thiện môi trường, bắt kịp xu hướng phát triển của ngành bao bì thế giới.

Đặc biệt, chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đem lại những hiệu quả rõ nét cho doanh nghiệp. Trong năm, trung tâm đã xây dựng trình Sở Công thương phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho 18 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT). Kinh phí phê duyệt thực hiện 3.490 triệu đồng, trong đó vốn đối ứng của các cơ sở CNNT hơn 12 tỷ đồng. Nhìn chung, việc hỗ trợ đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho người lao động tham gia sản xuất, ổn định việc làm và tăng thu nhập. Mặt khác, việc hỗ trợ đầu tư đổi mới máy móc thiết bị còn giúp bảo vệ môi trường, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong năm, trung tâm đã tổ chức 5 lớp tập huấn cho 400 người là cán bộ phụ trách công tác khuyến công tại các xã, phường, thị trấn và các cơ sở CNNT trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng (kinh phí của tỉnh) và TX.Bến Cát, TX.Thuận An và huyện Phú Giáo (kinh phí của địa phương). Qua các lớp tập huấn đã đáp ứng nhu cầu thiết thực, giúp các cơ sở CNNT đang hoạt động trên địa bàn nắm bắt những chính sách, văn bản về khuyến công từ đó xác định nhu cầu hỗ trợ nhằm thụ hưởng nguồn kinh phí hỗ trợ từ chính sách khuyến công để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trung tâm cũng đã thực hiện hỗ trợ 2 đề án “Hỗ trợ thuê tư vấn thiết kế bao bì đóng gói than gáo dừa” cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Gia Đình Việt Nam tại ấp Kỉnh Nhượng, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo và “Hỗ trợ thuê tư vấn thiết kết bao bì sản phẩm thớt gỗ” cho cơ sở thớt gỗ Thanh Điền, TX.Thuận An. Trong đó, vốn đối ứng của các cơ sở CNNT là 127,5 triệu đồng nhằm giúp cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh có điều kiện thuê tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì đóng gói sản phẩm. Đây là khâu rất quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhận dạng sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm. Trong năm, trung tâm đã đăng ký 6 sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019. Kết quả có 2 sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia (của Công ty Cổ phần Quang Minh và Công ty TNHH MTV sơn mài Tư Bốn). Tổ chức tham gia 3 hội chợ trong năm sản phẩm tham gia tại hội chợ là các sản phẩm CNNT tiêu biểu, sản phẩm truyền thống của tỉnh Bình Dương như sơn mài, gốm sứ, mây tre đan... Các đơn vị sau khi tham gia đã tiếp cận được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh và có dịp giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường.

Năm 2020 tăng kinh phí trên nhiều nội dung hỗ trợ

Ông Phạm Thanh Dũng cho biết một tin vui cho doanh nghiệp khi UBND tỉnh ban hành quyết định về “Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Theo đó, mức chi hoạt động khuyến công địa phương có một số thay đổi. Chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật mô hình trình diễn để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới bao gồm chi phí xây dựng, mua máy móc thiết bị; hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất, phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật. Mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí nhưng không quá 1 tỷ đồng/mô hình. Mô hình của các cơ sở CNNT đang hoạt động có hiệu quả cần phổ biến tuyên truyền, nhân rộng để các tổ chức, cá nhân khác học tập, bao gồm các chi phí: Hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ; hoàn thiện quy trình sản xuất, phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật. Mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/mô hình.

Việc chi hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp; bao gồm các chi phí: Thay thế nguyên, nhiên, vật liệu; đổi mới máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ; đào tạo nâng cao năng lực quản lý; đào tạo nâng cao trình độ tay nghề công nhân; tiêu thụ sản phẩm; hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật. Mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí nhưng không quá 500 triệu đồng/mô hình; chi hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 300 triệu đồng/cơ sở.

Chi hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các cơ sở CNNT gây ô nhiễm môi trường di dời vào các khu, cụm công nghiệp (hỗ trợ sau khi cơ sở CNNT đã hoàn thành việc đầu tư). Mức hỗ trợ tối đa 50% lãi suất cho các khoản vay để đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong 2 năm đầu nhưng không quá 500 triệu đồng/cơ sở; chi hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại cơ sở CNNT, mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 300 triệu đồng/cơ sở; chi hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 1,5 tỷ đồng/cụm công nghiệp; chi hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp, mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 500 triệu đồng/cụm công nghiệp; chi hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, bao gồm: San lấp mặt bằng, đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp nước, thoát nước, hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, mức hỗ trợ không quá 6 tỷ đồng/cụm công nghiệp…

 KHẢI ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=382
Quay lên trên