Kiểm điểm hoạt động của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch MTTQ Việt Nam khóa VIII

Cập nhật: 18-09-2019 | 18:34:43

 Đoàn Chủ tịch biểu quyết, thông qua Chương trình Đại hội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 18/9, Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 đã tiến hành phiên làm việc đầu tiên, thảo luận về báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII, chuẩn bị các công việc cho lễ khai mạc chính thức sẽ diễn ra vào sáng 19/9.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các Phó Chủ tịch, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 1.300 đại biểu tham dự.

Sau phần chào cờ, Đại hội đã tri ân và dành phút mặc niệm tưởng nhớ các vị Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII đã từ trần.

Đại hội đã hiệp thương cử 59 vị vào Đoàn Chủ tịch và năm vị vào Đoàn Thư ký Đại hội; nghe báo cáo tình hình đại biểu tham dự Đại hội; thông qua Quy chế, Chương trình làm việc của Đại hội và thảo luận vào báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2014-2019.

Báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII Hầu A Lềnh cho biết, trong nhiệm kỳ 2014-2019, Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những vấn đề nhân dân quan tâm; quyết tâm đổi mới, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; xác định rõ nội dung, phương thức, giải pháp để thực hiện bảo đảm vai trò, trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao hiệu quả công tác Mặt trận theo Nghị quyết và Chương trình hành động do Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII đã đề ra.

Quá trình triển khai thực hiện đã chú trọng thực hiện tốt hơn vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, làm sâu sắc tính chất liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của Mặt trận, thực hiện nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phân công trách nhiệm cụ thể, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong hành động và phát huy tốt hơn thế mạnh của từng tổ chức thành viên trong công tác Mặt trận.

Các đại biểu biểu quyết, thông qua Chương trình và Quy chế làm việc của Đại hội. (Ảnh: TTXVN)

Các nội dung công tác và hoạt động của Mặt trận tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư, giảm bớt tính hình thức; tập trung phát huy các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác Mặt trận.

Kế thừa, phát huy những kinh nghiệm trong hoạt động của Ủy ban các nhiệm kỳ trước, trong nhiệm kỳ VIII, Ủy ban Trung ương đã tiến hành 10 hội nghị; họp thảo luận, quyết định các chủ trương công tác lớn của Mặt trận; ban hành các chương trình, nghị quyết để cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện nhằm góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm về an ninh, quốc phòng và đối ngoại của đất nước.

Đoàn Chủ tịch đã chủ động, tích cực trong công tác xây dựng pháp luật, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về vai trò, quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng tổng hợp và phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân tại các kỳ họp Quốc hội.

Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục cụ thể hóa việc thực hiện Chương trình phối hợp, thống nhất hành động của Ủy ban thành các nhóm nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể; tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong cả nước và các tổ chức thành viên. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực đã sâu sát, trực tiếp đến nắm bắt tình hình cơ sở ở nhiều địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, hải đảo; kịp thời động viên, thăm hỏi, cứu trợ nhân dân vùng bị thiên tai, bão lũ; hướng dẫn, tổ chức nhiều giải pháp tăng cường và nâng cao chất lượng việc nắm bắt, phản ánh tình hình nhân dân. Trong nhiệm kỳ, Ban Thường trực đã ban hành bađề án và 10 thông tri hướng dẫn thực hiện các nội dung công tác Mặt trận, trong đó có những nội dung công tác mới như vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; triển khai Phong trào “Đoàn kết, sáng tạo”...

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực điều hành nội dung thông qua Chương trình và Quy chế làm việc của Đại hội. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Hoạt động của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực đã đóng góp tích cực vào việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia lao động, sản xuất, công tác và học tập, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế như: Việc bày tỏ thái độ, chính kiến trước một số vấn đề cấp bách, vấn đề mới phát sinh đang thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân có lúc, có việc chưa kịp thời.

Việc tham gia xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát và phản biện xã hội, chăm lo, bảo vệ, đại diện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân tuy đã đạt được kết quả bước đầu nhưng hiệu quả ở một số nội dung, lĩnh vực còn chưa cao.

Một số kiến nghị, phản ánh trong giám sát và phản biện xã hội chưa sâu sắc, chưa đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; trách nhiệm đôn đốc, giám sát việc giải quyết, trả lời, phản hồi các kiến nghị hậu giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân mặc dù đã được quan tâm hơn, song có lúc, có nơi, có việc còn thiếu quyết liệt...

Thảo luận về nội dung này, hầu hết các đại biểu bày tỏ sự tán đồng với nội dung của báo cáo. Đại biểu Đặng Văn Khoa, Đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, báo cáo được xây dựng minh triết, ngắn gọn nhưng đã bao quát được toàn bộ hoạt động của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực, soi rọi đúng sự việc, bản chất, liều lượng, chỉ rõ những hạn chế yếu kém, không tô hồng, né tránh, làm rõ những vấn đề cần phát huy, điều chỉnh trên con đường đi tới tương lai của nhiệm kỳ tới.

Bày tỏ sự đồng tình với báo cáo, ở góc độ doanh nhân, doanh nghiệp, đại biểu Lê Thị Nam Phương (đoàn Đà Nẵng) cho rằng với tư cách là tổ chức đoàn kết, tập hợp nhiều lực lượng, trong đó có đội ngũ doanh nhân và các doanh nghiệp, Mặt trận cần tiếp tục kêu gọi sự đồng lòng của của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp để nhận thức rõ thời cơ, thách thức trong thực hiện các mục tiêu phát triển và tranh thủ thời cơ của các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết, khai thác vị trí hiện nay Việt Nam đang có trên trường quốc tế.

Tại phiên làm việc, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII đã phát động và kêu gọi toàn thể Đại hội tham gia chương trình nhắn tin ủng hộ người nghèo, thiết thực hưởng ứng chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo năm 2019.”

Sáng 19/9, lễ khai mạc Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 sẽ được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1607
Quay lên trên