Kim Oanh và những “quả tù mù” trong kinh doanh bất động sản - Bài 2

Cập nhật: 15-04-2020 | 09:08:12

Bài 2: Đất công thành đất tư

Khu đất có diện tích 43 ha tại phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một là tài sản Nhà nước, được tỉnh giao cho Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3-2) để thực hiện dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Tân Phú. Tuy nhiên, qua các bước “biến hóa”, làm trái với chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương bởi Tổng Công ty 3-2, khu đất này đang được Công ty Kim Oanh nắm hoàn toàn “phần xác”.


Khu đất 43 ha tại phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một là tài sản Nhà nước, được giao cho Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương để thực hiện dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Tân Phú…

 “Đứa con không hợp pháp”

Trước hết, chúng tôi nói khái quát về “lịch sử” khu đất 43 ha tại phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một. Ngày 1-7- 2010, Tổng Công ty 3-2 đã thực hiện ký hợp đồng thỏa thuận liên doanh với Công ty Cổ phần bất động sản Âu Lạc (Công ty Âu Lạc) để thành lập Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Tân Phú(Công ty Tân Phú) với vốn điều lệ là 200 tỷ đồng. Điều đáng nói ở đây, hợp đồng thỏa thuận liên doanh này đã được Tổng Công ty 3-2 và Công ty Âu Lạc ký trước ngày Hội đồng Quản trị của Tổng Công ty 3-2 họp và ngày 8-7-2010 ra nghị quyết trước khi có chủ trương của đơn vị chủ quản là Tỉnh ủy Bình Dương (ngày 17-8-2010). Trong đó, hợp đồng có bao hàm các nội dung thỏa thuận việc xác định giá đất và chuyển giao quyền sử dụng khu đất 43 ha sang Công ty Tân Phú. Như vậy, nội dung hợp đồng này là chưa đúng với chủ trương, tinh thần hợp tác, góp vốn của Tỉnh ủy Bình Dương (tại Công văn số 1830-CV/TU ngày 17-8-2010 là góp vốn bằng tiền). Ngoài ra, Tổng Công ty 3-2 đã báo cáo không đầy đủ và rõ ràng cho đơn vị chủ quản và cấp thẩm quyền về vấn đề tổng số vốn đã đầu tư ra ngoài khi xin thành lập liên doanh mới. Việc đầu tư 60 tỷ đồng góp vốn thành lập Công ty Tân Phú là không bảo đảm phù hợp với các quy định của Nhà nước.

Cần biết thêm rằng, tại thời điểm này, Công ty Âu Lạc mới được thành lập trước ngày ký hợp đồng thỏa thuận là 9 ngày; vốn điều lệ của công ty chỉ có 60 tỷ đồng, chỉ bằng 42% vốn cam kết phải góp và theo báo cáo của công ty thì trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh là trụ sở thuê và đơn vị chưa triển khai hoặc tham gia thực hiện dự án bất động sản nào.

Từ đó cho thấy, Công ty Âu Lạc là doanh nghiệp đối tác chưa bảo đảm đủ các yếu tố năng lực tài chính và năng lực kinh nghiệm theo quy định của pháp luật, nhưng Tổng Công ty 3-2 lại thực hiện ký hợp đồng thỏa thuận liên doanh với Công ty Âu Lạc để thành lập ra Công ty Tân Phú. Và như vậy có thể thấy rằng, Công ty Âu Lạc chưa đủ điều kiện pháp nhân liên doanh với Tổng Công ty 3-2 để “đẻ” ra “đứa con không hợp pháp” là Công ty Tân Phú.

“Ve sầu thoát xác”

Mặt khác, thực tế cho thấy Tổng Công ty 3-2 xin góp vốn thành lập liên doanh để thực hiện dự án, nhưng không triển khai đầu tư như chủ trương của Tỉnh ủy mà dùng toàn bộ số vốn góp được để trả tiền bồi thường, đền bù đất đai. Đáng chú ý, sau khi liên doanh với Công ty Âu Lạc thành lập Công ty Tân Phú, Tổng Công ty 3-2 không triển khai thực hiện dự án như xin với tỉnh ban đầu mà đã thực hiện chuyển nhượng 43 ha đất trái phép không đúng với chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 1830-CV/TU ngày 17-8-2010 cũng như Công văn số 477-CV/TU ngày 29- 8-2016 cho Tổng Công ty 3-2 tiếp tục thực hiện hợp tác liên doanh. Cụ thể, ngày 8-12-2016, Tổng Công ty 3-2 ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 43 ha đất cho Công ty Tân Phú(sai phạm này đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam các bị can để điều tra).


 ...nhưng qua các bước “biến hóa” đã bị biến thành đất tư, hiện đang được Công ty Kim Oanh nắm “phần xác”

Ngày 2-8-2017, Tổng Công ty 3-2 chuyển nhượng toàn bộ vốn góp trong Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc với giá trị chuyển nhượng là 161,11 tỷ đồng (trong đó có giá trị quyền sử dụng đất do Tổng Công ty 3-2 thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá đất), giá do các bên tự thỏa thuận. Hành động này của Tổng Công ty 3-2 đã đưa Công ty Âu Lạc trở thành chủ sở hữu 100% vốn tại Công ty Tân Phú.

Tuy nhiên, để tiếp tục “biến hóa” khu đất 43 ha “từ đất công thành đất tư”, ngày 18-10-2017, Công ty Âu Lạc đã thực hiện chuyển nhượng 50% vốn điều lệ trong Công ty Tân Phú cho Công ty Xây dựng A Đông Hải (sau này đổi tên thành Công ty Kim Oanh). Tiếp đó, ngày 14-3-2018, Công ty Âu Lạc lại tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp còn lại tại Công ty Tân Phú cho Công ty Kim Oanh và từ đây, Công ty Kim Oanh chính thức trở thành chủ sở hữu 100% vốn tại Công ty Tân Phú, nắm hoàn toàn “phần xác” 43 ha đất tại dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Tân Phú, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một. (Vì sao tạm gọi Công ty Kim Oanh nắm “phần xác” khu đất 43 ha, chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết sau).

Như vậy, khu đất có diện tích 43 ha tại phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một là tài sản Nhà nước, được tỉnh giao cho Tổng Công ty 3-2 để thực hiện dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Tân Phú, qua các “đường đi, nước bước” đã được chuyển thành đất tư. Vấn đề đặt ra ở đây là phải chăng, các bước “biến hóa” trên ngay từ lúc đầu đã được các công ty bắt tay nhau để “ủ mưu” khi thực hiện ký hợp đồng thỏa thuận liên doanh thành lập Công ty Tân Phú? Và phải chăng, mọi “bước đi” đều được các công ty “phù phép” để thực hiện ý đồ“biến đất công thành đất tư”, đi ngược lại với chủ trương của tỉnh, vi phạm pháp luật của Nhà nước?! (còn tiếp)

 NHÓM P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3538
Quay lên trên