Kinh doanh dịch vụ đang dần trở lại bình thường

Cập nhật: 12-05-2020 | 08:06:48

Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, các dịch vụ ăn uống nhộn nhịp khách hàng nhưng hàng loạt dịch vụ mua sắm không thiết yếu tại các tuyến phố tại trung tâm TP.Thủ Dầu Một lại đang chật vật vì đối mặt với sự suy giảm về đơn hàng, lượng khách.

 

Quán ăn ngon, giá vừa phải rất hút khách sau nới lỏng giãn cách xã hội

 Nhộn nhịp ăn uống

Hơn một tuần sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, các cửa hàng phục vụ ăn uống thu hút đông người dân tập trung từ sáng sớm tới chiều, nhiều cửa hàng phải huy động thêm bàn ghế để phục vụ thực khách. Trong đó, đa số các điểm đông khách là các quán ăn sáng, cơm trưa, cà phê giải khát…

Trên đường Bạch Đằng, phường Phú Cường, các quán lẩu, nướng, cà phê, bún, từ mới 16 giờ hàng ngày đã kê bàn ghế ra để bán hàng, khung cảnh đông đúc, chật chội trên tuyến đường này trở lại như khi chưa có dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Nhân viên phục vụ quán lẩu ShiKu bộc bạch: “Gần cả tháng nay cửa hàng đóng cửa, nay hết cách ly bày bán trở lại, ai cũng mừng lắm. Cả tuần nay, chúng tôi bán rất đắt hàng”.

Còn các quán cà phê dọc theo vỉa hè đường Bạch Đằng, trong khu vực phố đi bộ Bạch Đằng, nhiều khách trẻ thảnh thơi uống cà phê, lướt điện thoại. Chị Cao Thị Thu (nhân viên văn phòng) vui vẻ cho biết: “Lâu lắm rồi mới có cảm giác thư giãn như thế này. Hết cách ly, người trẻ chúng tôi lại có nơi chốn để hàn huyên. Đến khu dân cư Chánh Nghĩa (phường Phú Cường), Phú Hòa I phường Phú Hòa, người mua kẻ bán còn nhộp nhịp, tấp nập hơn. Không khí ăn uống, vui chơi hầu như đã trở lại bình thường. Chia sẻ với phóng viên về tình hình kinh doanh doanh trong những ngày gần đây, chủ quán lẩu gà lá é Tao Ngộ tại khu dân cư Phú Hòa I, cho biết sau khi có lệnh cho phép hoạt động trở lại, quán kinh doanh khá tốt, lượng khách ổn định, thậm chí nhiều hôm còn có doanh thu tốt hơn trước. Hơn nữa do mặt bằng quán thuê giá không cao nên dịch bệnh cũng không ảnh hưởng quá nhiều.

Dịch vụ không thiết yếu vắng khách

Trái với hình ảnh khách hàng vào ra tấp nập tại các quán ăn uống, các cửa hàng kinh doanh ngành hàng dịch vụ không thiết yếu như quần áo, giày dép, hàng lưu niệm… đồng loạt trả mặt bằng. Đa số mặt bằng này đều có mức thuê với giá cao, dao động từ 10 - 30 triệu đồng/tháng. Trên tuyến đại lộ Bình Dương, nằm ở khu vực trung tâm thành phố, có cả chục căn nhà treo bảng cho thuê cửa hàng. Theo người dân sinh sống trên cùng tuyến đường này, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều cửa hàng đóng cửa luôn và trả mặt bằng kinh doanh. “Tiền thuê mặt bằng ở trung tâm quá cao nên nhiều người kinh doanh không thể trụ nổi khi dịch bệnh kéo dài mấy tháng trời, kinh doanh ế ẩm”, cô Lê Thị Ánh Kim trú ở đại lộ Bình Dương cho hay.

Một người kinh doanh quần áo thời trang trên đường Yersin cho biết buôn có bạn bán có phường, nên người làm kinh doanh khi gặp tình hình dịch bệnh xem như thua trắng. Không riêng giãn cách xã hội mà trước đó cũng gặp muôn vàn khó khăn. “Khi dịch bùng phát, biên giới đóng cửa khiến nguồn hàng bị khan hiếm rồi thêm áp lực chi phí, mặt bằng nên đành trả mặt bằng, tìm việc làm khác”, chủ một cửa hàng thời trang trên đường Yersin nói như than.

Đột ngột mất dòng tiền trong khi vẫn phải chi trả toàn bộ các chi phí như tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên, điện, nước khiến chủ kinh doanh các dịch vụ ẩm thực quy mô lớn, dịch vụ không thiết yếu đang đối mặt với tình trạng khách vắng, quán ế, bên bờ vực phá sản. Người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu do mất việc, tạm nghỉ việc khiến tình hình kinh doanh chung đang khá ảm đạm.

 TRÚC HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=372
Quay lên trên