Kinh nghiệm thu hút đầu tư của Bình Dương

Cập nhật: 17-06-2018 | 08:34:12

Sớm xác định lấy công nghiệp làm đòn bẩy thu hút đầu tư, từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương đã vươn lên đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã có 28 khu công nghiệp (KCN) với diện tích đất cho thuê lên đến gần 10.000 ha, thu hút hàng ngàn doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đến đầu tư làm ăn.

 Nhờ phát triển tốt các KCN mà Bình Dương trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Trong ảnh: Một góc KCN VSIP. Ảnh: XUÂN THI

 Chuyển mình mạnh mẽ

Từ một tỉnh thuần nông, phải nhận trợ cấp từ Trung ương sau ngày đất nước thống nhất, nhưng đến nay Bình Dương đã trở thành một trong những tỉnh đi đầu về công nghiệp hóa, đô thị hóa và là tỉnh có tỷ lệ đóng góp ngân sách cao của cả nước. Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể nói Bình Dương đã đạt được những thành tựu đầy tự hào. Có được kết quả đó là nhờ sự chỉ đạo, lãnh đạo sáng suốt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự đoàn kết một lòng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Bước vào xây dựng và phát triển công nghiệp với điểm xuất phát thấp là một tỉnh nông nghiệp, cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp còn nhiều hạn chế, nên Bình Dương bắt buộc phải có những bước đi mang tính đột phá theo kiểu “đi tắt đón đầu” nhằm phát huy mạnh mẽ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đặc biệt là kể từ khi tái lập tỉnh vào đầu năm 1997, Bình Dương mạnh dạn xác định phát triển công nghiệp là yếu tố đột phá tạo tiền đề cho tỉnh phát triển.

Để thực hiện được các mục tiêu quan trọng trong việc đổi mới, Bình Dương sớm chọn vùng đất phía bắc quốc lộ 1A để phát triển các KCN Sóng Thần 1, Sóng Thần 2. Đây là việc làm thể hiện tính năng động, sáng tạo của tỉnh thời bấy giờ. Ngay sau khi các KCN này hình thành, Bình Dương đã thu hút được hàng tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lẫn trong nước. Sau đó, Bình Dương tiếp tục phát triển thêm KCN Việt Nam - Singapore 1 (VSIP 1) tại TX.Thuận An, biến nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI nhằm giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục ngàn lao động lúc bấy giớ. Từ kinh nghiệm xây dựng các KCN này, đến nay Bình Dương đã xây dựng được 28 KCN, hoạt động ổn định, với tỷ lệ thuê đất đạt khoảng 67% và chiếm đến 70% lượng vốn thu hút được của toàn tỉnh.

Cùng với KCN, các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được tiếp tục đầu tư. Hiện toàn tỉnh có 6/8 cụm công nghiệp hoạt động ổn định với diện tích gần 600 ha và tỷ lệ cho thuê đất đạt 45%. Không dừng lại ở đó, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bình Dương đến năm 2020 lên 33 KCN tập trung với tổng diện tích khoảng 15.730,18 ha.

Hiện Bình Dương cũng khuyến khích và có lộ trình chuyển đổi dần cơ cấu đất công nghiệp ở các KCN trên địa bàn TX.Thuận An và TX.Dĩ An sang đất thương mại, dịch vụ một cách hợp lý, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trong từng giai đoạn; đồng thời đẩy mạnh phát triển các KCN tập trung về phía bắc của tỉnh, gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ ngoài KCN bảo đảm phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, thương mại, vận tải hàng hóa cho các doanh nghiệp. Đây là một bước tiến mới, tạo điều kiện để Bình Dương tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Không ngừng phát triển

Về cơ cấu kinh tế, ngay sau khi tái lập, công nghiệp đã chiếm ưu thế trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tuy công nghiệp chiếm ưu thế trong cơ cấu kinh tế với tỷ lệ lên đến 50,45%, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh cũng chỉ đạt khoảng 4.000 tỷ đồng, do thu hút đầu tư trong và ngoài nước còn khiêm tốn. Đẩy mạnh giá trị sản xuất công nghiệp, đồng nghĩa với việc phải tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư. Và, chỉ sau hơn 20 năm thực hiện chiến lược này, đến nay Bình Dương đã phát triển vượt bậc với giá trị công nghiệp cao gấp hàng trăm lần so với ngày đầu mới tái lập.

Tính đến hết năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 786.346 tỷ đồng, tăng 196 lần so với năm đầu mới tái lập tỉnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 83.172 tỷ đồng, tăng 27 lần; kim ngạch xuất khẩu tăng 67 lần. Tăng trưởng GRDP bình quân các năm của Bình Dương luôn đạt 14,5%. Riêng tăng trưởng GRDP năm 2017 của tỉnh đạt 9,15%; GRDP bình quân đầu người đạt 120 triệu đồng. Đây là những con số ấn tượng, ghi nhận thành quả tuyệt vời trong quá trình cố gắng vươn lên của Bình Dương.

Nhìn lại chặng đường phát triển đã qua, có thể thấy Bình Dương luôn có sự nhất quán trong định hướng phát triển và có sự đầu tư bài bản, đồng bộ các ngành, các lĩnh vực trọng tâm, như: Hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại - dịch vụ, hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục và các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Nguồn vốn đầu tư cho các lĩnh vực này đã phát huy hiệu quả và tạo bước lan tỏa thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng với Nhà nước tham gia đầu tư, triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, thương mại dịch vụ, du lịch, hạ tầng KCN. Đồng thời, Bình Dương cũng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng về y tế, giáo dục đào tạo, lồng ghép các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.

Ngoài việc phát triển hạ tầng đồng bộ, Bình Dương cũng tiếp tục làm tốt công tác xúc tiến thu hút đầu tư. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn quan tâm, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp. Điều đó đã góp phần làm cho thương hiệu công nghiệp Bình Dương vang xa, tạo ấn tượng và sự an tâm để nhà đầu tư tin tưởng làm ăn lâu dài tại đây. Dưới góc nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài, Bình Dương hiện có môi trường đầu tư lý tưởng và là điểm đến đáng tin cậy. Chính vì vậy, nguồn đầu tư vào Bình Dương không chỉ tăng về lượng mà còn vượt trội về chất với nhiều dự án tầm cỡ của nhiều tập đoàn nổi tiếng trên thế giới. Từ đó, đưa Bình Dương vươn lên hạng 2 của cả nước về thu hút vốn FDI.

Chính từ việc phát triển có hiệu quả các KCN, lấy KCN làm đòn bẩy thu hút đầu tư mà đến nay, nhiều tuyến giao thông huyết mạch, trọng điểm, quy mô lớn được hình thành, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hạ tầng kỹ thuật điện, nước, bưu chính viễn thông... được đầu tư đồng bộ; hạ tầng xã hội giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch... có bước phát triển tốt. Đây chính là tiền đề quan trọng để Bình Dương tiếp tục phát huy cao độ nội lực, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để nhanh chóng xây dựng tỉnh nhà trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp, thân thiện, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 6 tháng đầu năm 2018, Bình Dương thu hút 718 triệu USD vốn FDI

Theo con số mới nhất do Văn phòng UBND tỉnh công bố tại phiên họp thường kỳ tháng 6-2018, từ đầu năm đến nay Bình Dương đã thu hút được 718 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt 51,3% kế hoạch cả năm. Lũy kế đến nay, Bình Dương đã thu hút được 3.386 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 30,82 tỷ USD. Cũng theo Văn phòng UBND tỉnh, đầu tư trong nước thời gian gần đây cũng có nhiều dấu hiệu khởi sắc với 25.620 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, tăng 38,5% so với cùng kỳ. Lũy kế đến ngày 15-6, toàn tỉnh đã thu hút được 33.088 dự án đầu tư của doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký là 262.831 tỷ đồng.

Từ nay đến cuối năm, Bình Dương sẽ tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp... nhằm kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư vào Bình Dương, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về thu hút đầu tư mà Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã đề ra.

 KHÁNH VINH   

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=802
Quay lên trên