Kinh tế - bước chuyển mình vượt bậc

Cập nhật: 29-08-2014 | 10:02:14

Kế thừa truyền thống cách mạng và phát huy tính sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành và thực hiện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, những năm qua Bình Dương đã nỗ lực phát triển tạo ra bức tranh kinh tế năng động bậc nhất của cả nước, với mức độ tăng trưởng bình quân hàng năm luôn ở mức 2 con số. Từ sức mạnh đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Bình Dương đã viết nên những kỳ tích về kinh tế, góp phần vào sự phồn vinh của đất nước.

 Xây dựng Thành phố mới Bình Dương để tạo động lực cho kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới Ảnh: T.MINH

Làm nên kỳ tích

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30-4-1975, Bình Dương (tỉnh Sông Bé trước đây) bước vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển kinh tế. Trong điều kiện vô vàn khó khăn do chiến tranh để lại, song với truyền thống đoàn kết và niềm tin vào tương lai tươi đẹp, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Bình Dương đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách đưa kinh tế của một tỉnh thuần nông trở thành tỉnh phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, thương mại - dịch vụ.

Trong quá trình phát triển, tỉnh đã đề ra các giải pháp tập trung vào quy hoạch, phát triển khu công nghiệp (KCN) nhằm tạo động lực thu hút đầu tư, huy động nội và ngoại lực… Nhờ vậy, qua các giai đoạn, kinh tế của tỉnh chuyển mình mạnh mẽ và có sự đột phá.

Giai đoạn phát triển vượt bậc của Bình Dương là từ ngày tái lập tỉnh (1- 1-1997) đến nay. Để phát triển, tỉnh đã tập trung xây dựng hạ tầng điện, đường, trường, trạm… Đặc biệt là chú trọng phát triển các KCN làm yếu tố đột phá phát triển công nghiệp. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn tỉnh có đến 28 KCN và 8 cụm công nghiệp với diện tích gần 10.000 ha có hạ tầng hoàn chỉnh. Nơi đây đã trở thành những địa chỉ tin cậy thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; trong đó có những KCN như Việt Nam - Singapore 1, 2, Mỹ Phước 1, 2, 3… mang đẳng cấp quốc tế thu hút nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư. Nổi bật, tỉnh xây dựng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị với tổng diện tích 4.196 ha, với nhiều công trình lớn như: Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh, các khu công nghiệp, khu đô thị, trường học, công viên...

Nhờ hạ tầng kinh tế - xã hội hoàn thiện, sự góp sức của các KCN, đến nay Bình Dương đã thu hút gần 16.490 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước với vốn đăng ký 125.000 tỷ đồng và 2.330 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đầu tư gần 20 tỷ USD. Lĩnh vực mà các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh tập trung vào sản xuất công nghiệp như điện, điện tử, cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm, công nghiệp gỗ và trang trí nội thất, may mặc… Đặc biệt, thời gian gần đây, lĩnh vực thương mại - dịch vụ, bất động sản đã thu hút được nhiều vốn đầu tư, qua đó cho thấy sức hút của tỉnh đối với các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

 Bình Dương tiếp tục phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế. Trong ảnh: Sản xuất lốp xe tại nhà máy Casumina, TX.Tân Uyên Ảnh: T.MINH

Huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế, tỉnh đã duy trì và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm luôn trên hai con số; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Đến cuối năm 2013, cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp có tỷ trọng tương ứng là 61,3% - 35,3% - 3,4%; các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh đều đạt cao như: giá trị sản xuất công nghiệp đạt 162.177 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 14,44 tỷ USD; thu hút đầu tư nước ngoài đạt hơn 1,4 tỷ USD; thu ngân sách đạt 29.000 tỷ đồng… Trong 7 tháng đầu năm 2014, kinh tế của tỉnh tiếp tục đạt kết quả quan với giá trị sản xuất công nghiệp đạt 98.003 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 8 tỷ USD, thu ngân sách đạt 18.000 tỷ đồng, thu hút đầu tư nước ngoài 1,1 tỷ USD…

Sức mạnh của sự đồng thuận

Có thể nói, thành quả tỉnh có được hôm nay chính là nhờ vào sự kế thừa và phát huy thành quả của tỉnh Sông Bé trước đây; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của mình, khai thác tốt các nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi và hiệu quả. Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư, quan tâm thu hút đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao dân trí…

Đáng trân trọng biết bao trong quá trình phát triển kinh tế, nhân dân Bình Dương đã chung tay vì lợi ích chung, đồng thuận góp phần xây dựng hạ tầng các KCN, khu đô thị, hạ tầng giao thông trên quê hương để tạo lực phát triển, làm nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế của tỉnh. Điều này có thể nhận thấy là tỷ lệ đền bù giải tỏa của các KCN trên địa bàn đến nay đã đạt 98% diện tích. Sự ủng hộ của nhân dân vào quy hoạch các KCN và đô thị cũng cho thấy quan điểm nhất quán của tỉnh trong xây dựng hạ tầng để phát triển công nghiệp, đó là “Xây dựng KCN, khu đô thị là nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội. Ở những vùng sau khi quy hoạch, cuộc sống của người dân vùng giải tỏa phải khá hơn trước. Còn nếu bằng thì quy hoạch và phát triển không có ý nghĩa lý gì”.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo, Bình Dương đã đề ra các giải pháp: tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế; phát triển theo hướng hình thành chuỗi các KCN; phát triển các khu đô thị, khu dân cư và hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết cho toàn khu vực… góp phần đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Với sự chuẩn bị chu đáo này, Bình Dương sẽ phát huy lợi thế của tỉnh để viết nên những kỳ tích mới trong công cuộc phát triển kinh tế.

Năm 1997, cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp 50,45% - dịch vụ 26,8% và nông nghiệp 22,8%. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ khoảng 4.000 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 3.042 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu khoảng 363 triệu USD/năm và gói gọn trong các ngành hàng như công nghiệp nhẹ và thủ công, chế biến nông sản; thu ngân sách 817 tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài mới đạt 400 triệu USD…

So sánh những chỉ số kinh tế năm 2013 với năm 1997 có thể thấy Bình Dương đã phát triển vượt bậc. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng gần 41 lần; tổng mức bán lẻ và doanh dịch vụ tăng gấp hơn 29,4 lần; kim ngạch xuất khẩu tăng gần 40 lần; thu ngân sách tăng gần 36 lần; thu hút đầu tư tăng 50 lần; số lượng KCN tăng gấp 4 lần… Đặc biệt, từ thu nhập còn thấp năm 1997, đến năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đã đạt trên 52,7 triệu đồng; an sinh xã hội, y tế, giáo dục được bảo đảm tốt.

 

 T.MINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=414
Quay lên trên