Hôm qua 5-9, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8. Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo.
Dây chuyền sản xuất sữa tươi của Vinamilk.
Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát
Ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội chung trong 8 tháng qua, Chính phủ nhận định đã có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng, đúng mục tiêu.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sau khi giảm liên tục trong 5 tháng đầu năm và có trị số âm, trong 2 tháng gần đây đã có mức tăng 0,63% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong vòng 6 tháng gần đây…
Ông Vũ Đức Đam cũng cho biết, dự kiến cả năm CPI dưới 7%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng qua từng quý, tuy nhiên khó đạt mức 6% cả năm (phấn đấu GDP tăng 5,2%). Nhập siêu thấp, xuất khẩu ổn định. Các chỉ tiêu về cơ bản sẽ đạt kế hoạch, tạo đà tốt cho năm 2013.
Thời gian qua, chính sách tiền tệ được điều hành chủ động và linh hoạt hơn, theo đó các mức lãi suất điều hành đã giảm nhanh với tổng mức giảm từ 4% - 5%/năm, phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Nhiều ngân hàng đã triển khai các gói tín dụng quy mô lớn hỗ trợ khách hàng tốt để sản xuất kinh doanh các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất thấp, khoảng 9% - 10%. Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước đạt 9,8 tỷ USD, giảm 3,8% so với tháng 7; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9,95 tỷ USD, tăng 3,5%. Tính chung 8 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 73,35 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 73,41 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chỉ số IIP 8 tháng đầu năm tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2011.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn so với tháng 7; nợ xấu cũng như việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn chưa chuyển biến tích cực; diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ vẫn khá phức tạp; khu vực doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ nguồn vốn thấp; chỉ số hàng tồn kho vẫn ở mức cao; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng.
Trả lời câu hỏi về nguy cơ lạm phát cao quay trở lại, ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, luôn cảnh giác với việc lạm phát cao có thể quay trở lại. Trong những tháng tới đây, với các yếu tố tác động của kinh tế thế giới, dự báo lạm phát có thể giữ ở mức 7% cả năm. Lạm phát sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới. Dù CPI giảm trong nhiều tháng nhưng phải luôn kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát vì lạm phát cao có thể quay lại. Giữ ổn định lạm phát là yếu tố để tạo môi trường đầu tư lành mạnh. Giữ lạm phát ở mức thấp có thể ảnh hưởng đến một bộ phận doanh nghiệp và người dân nhưng vì lợi ích chung, phải chấp nhận.
Xử lý tội phạm thâu tóm ngân hàng: Không có ngoại lệ
Tại buổi họp báo, trả lời về giải pháp chống tội phạm thâu tóm ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng cũng như việc bắt ông Nguyễn Đức Kiên có tác động thế nào đến nền kinh tế và giải pháp giảm thiểu của Chính phủ, ông Vũ Đức Đam cho hay, tại phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng vừa qua, Thủ tướng đã nhắc đến loại tội phạm thâu tóm ngân hàng.
Ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế, bất ổn của nền kinh tế trong những năm qua có nguyên nhân do hệ thống ngân hàng chưa thực sự vững mạnh, vì vậy tái cơ cấu ngân hàng là 1 trong 3 trọng tâm. Không phải chỉ tới khi bắt ông Kiên việc này mới được nêu ra. Thủ tướng đã có chỉ đạo các lực lượng chức năng từ thanh tra đến cơ quan điều tra phải đặt nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với loại tội phạm này. Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, hiện nay có hiện tượng một tổ chức, cá nhân sở hữu số vốn ở ngân hàng nhiều hơn so với quy định. “Quan điểm của Chính phủ là phải làm sạch hệ thống ngân hàng để mạch máu của nền kinh tế được thông suốt. Bất kỳ ai vi phạm đều bị xử lý nghiêm, không có vùng cấm”, ông Vũ Đức Đam khẳng định.
Cũng theo ông Vũ Đức Đam, khi bắt ông Kiên có ảnh hưởng đến hoạt động của ACB. “Khi Chính phủ chỉ đạo những vụ án dạng này đã tính tới sự tác động. Chính phủ khi quyết định đã xem xét trên tổng thể để vừa nghiêm trị những người vi phạm, vừa bảo đảm hệ thống ngân hàng không bị ảnh hưởng. Ông Kiên không giữ bất kỳ nhiệm vụ lãnh đạo nào tại ACB nhưng tâm lý hoang mang vẫn xuất hiện trong người dân. Tới đây cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền để hoạt động tín dụng không bị ảnh hưởng”, ông Vũ Đức Đam cho biết.
Trước thông tin Bộ Xây dựng đề nghị ngừng thí điểm Tập đoàn Sông Đà và Tập đoàn Phát triển nhà ở và đô thị HUD, ông Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ chưa thảo luận về điều này mà đang trong quá trình xem xét. Chính phủ đã dành nhiều thời gian để xem xét việc tái cơ cấu các DNNN, trong đó có các tập đoàn kinh tế. Hiện có 11 tập đoàn kinh tế, hướng tới sẽ giảm xuống còn 5 - 7 tập đoàn có vai trò trọng yếu đối với nền kinh tế như điện lực, dầu khí. Còn lại sẽ giao cho các bộ ngành quản lý.
Sẽ điều chỉnh Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu
Về việc tăng giá xăng dầu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng chúng ta phải tiến tới cơ chế thị trường để tránh làm méo mó nền kinh tế. Giá xăng dầu hiện vẫn chưa hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Khi điều hành xăng dầu, Chính phủ phải tính toán nhiều mặt. Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương chỉ đạo đúng tinh thần Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, phải linh hoạt công cụ thuế nhập khẩu và quỹ bình ổn xăng dầu. Mục tiêu là chúng ta phải minh bạch các yếu tố về giá xăng dầu; mặt khác xăng dầu là mặt hàng trọng yếu, vì vậy phải cố gắng bảo đảm nguồn cung. Nghị định 84 không hoàn toàn giao trách nhiệm điều chỉnh giá xăng dầu của doanh nghiệp mà các bộ ngành vẫn phải quản. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là phải minh bạch hóa về giá xăng dầu. Tới đây, Nghị định 84 sẽ được điều chỉnh để phù hợp với tình hình điều hành giá xăng dầu từ năm 2013.
Theo SGGP