Việc sớm có cơ chế thúc đẩy phát triển kinh tế số tại vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam sẽ góp phần phát triển các ngành công nghệ cao, đem lại giá trị gia tăng lớn, từ đó tạo nên sự phát triển kinh tế bền vững cho toàn vùng.
Bình Dương nỗ lực đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Trong ảnh: Nhân viên trực vận hành hệ thống đường dây nóng 1022 của tỉnh
Đặt nền tảng
Tại hội nghị với các tỉnh thành vùng KTTĐ phía Nam mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là vùng trọng điểm của các vùng trọng điểm. Xét về quy mô và đóng góp trong tương lai gần sẽ là vùng siêu đô thị của khu vực Đông Nam Á nên cần đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ để phát triển. Trong đó, việc thúc đẩy kinh tế số, kết nối liên vùng là một hướng đi cần được chú trọng. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đang tập trung sức lực vượt khó, đặc biệt là tập trung xây dựng tầm nhìn Việt Nam hùng cường vào năm 2045. Một giải pháp quan trọng nữa là chính quyền các địa phương, doanh nghiệp (DN) cần khẩn trương nâng cấp hạ tầng số, trong đó có việc chuẩn bị các phương án triển khai dịch vụ 5G; phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đầu tư mạnh cho giáo dục và nghiên cứu; đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin…
Thời gian qua, ngoài chú trọng phát triển chính phủ điện tử, UBND các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ phía Nam còn tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hiện trong tốp 5 các tỉnh, thành dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số thương mại điện tử (EBI), có 2 tỉnh, thành nằm trong vùng KTTĐ phía Nam là TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương. Năm 2019, Bình Dương tiếp tục lần thứ 2 được Cộng đồng thành phố thông minh thế giới (ICF) bình chọn là một trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới.
Kinh tế số là nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối lưu thông hàng hóa, giao thông - vận tải, logistics, tài chính - ngân hàng...) mà công nghệ số được áp dụng. Ngày nay, người dân có thể bắt gặp các sản phẩm của nền kinh tế số ở bất cứ đâu trong cuộc sống hàng ngày... |
Bên cạnh đó, vùng KTTĐ phía Nam còn có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế số. Vùng KTTĐ phía Nam không chỉ là nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tập trung sản xuất công nghiệp của cả nước mà còn có hệ thống các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu hàng đầu, thuận lợi lớn cho sự phát triển kinh tế số. Năm 2018, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP.Hồ Chí Minh cùng các tỉnh, thành trong vùng chủ trì hội nghị công bố điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với ranh giới hành chính TP.Hồ Chí Minh và 7 tỉnh lân cận: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang. Mục đích của quy hoạch là xây dựng một vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm thương mại, tài chính, trung tâm nghiên cứu khoa học - dịch vụ, trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu...
Theo TS. Nguyễn Việt Long, Phó Tổng giám đốc Becamex IDC, Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh Bình Dương, trong tương lai, việc huy động nguồn lực để phát triển số là xu thế tất yếu toàn cầu. Bình Dương cần tiếp tục thu hút các DN, viện, trường trong và ngoài nước, đặc biệt về lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), sản xuất thông minh - tiên tiến, cùng đầu tư, tham gia công tác nghiên cứu, thử nghiệm, thí điểm các dự án mới, triển khai các khu thí điểm thực tế (living lab). Trong đó, TP.Thủ Dầu Một đóng vai trò là nơi tham gia hỗ trợ, thử nghiệm các ý tưởng mới để lan tỏa cho tỉnh, như hệ thống thông tin địa lý GIS, trung tâm kết nối người dân qua điện thoại 1022 và Zalo, Facebook. Các đơn vị và người dân trong thành phố cần được khuyến khích hơn nữa, cùng chung tay, tích cực hợp tác trong các dự án đột phá công nghệ hướng tới thành phố thông minh như thúc đẩy xây dựng hệ thống CNTT và truyền thông, cơ sở dữ liệu lớn, trung tâm điều hành thành phố thông minh, ứng dụng IoT, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số hóa thông minh (smart digitalization), cải cách hành chính, chính quyền điện tử… Trong các chương trình đó, quan trọng hàng đầu cần tập trung nguồn lực hỗ trợ tỉnh là hạ tầng băng thông rộng, tạo tiền đề cơ bản nhằm phát triển kinh tế, xã hội số; cơ sở dữ liệu dùng chung, tích hợp và mở để làm nền tảng cho mọi ứng dụng phân tích, động lực để phát triển đổi mới sáng tạo; cải cách hành chính, hướng tới chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ trong quản lý, nhất là hỗ trợ tốt hơn cho người dân, DN.
Thúc đẩy phát triển
Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, vùng KTTĐ chính là động lực cho các địa phương phát triển, trong đó có Bình Dương. Nhiều năm qua, Bình Dương luôn chủ động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích DN đến đầu tư và đổi mới, sáng tạo. Tỉnh hoàn thiện hệ thống hạ tầng KT-XH, phát triển đô thị - dịch vụ làm tiền đề xây dựng Bình Dương trở thành thành phố thông minh. Hiện nay, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, DN.
Becamex IDC - một DN được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao không chỉ vì những chiến lược phát triển kinh doanh mà còn là sự nỗ lực “hết lòng, hết sức” trong trách nhiệm xã hội với phát triển vùng KTTĐ phía Nam, đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc phát triển kinh tế số. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết: “Khi đại dịch bệnh Covid-19 diễn ra, biến đổi đột ngột môi trường đầu tư kinh doanh, áp dụng giãn cách xã hội trên toàn cầu, chúng tôi đã theo chỉ đạo của Chính phủ và nhu cầu thị trường, nhanh chóng chuẩn bị những phương thức mới. Trên thực tế, chúng tôi hiện nay vẫn đang tiếp cận nhà đầu tư rất mạnh mẽ bằng nhiều hình thức trên nền tảng Internet như tổ chức họp trực tuyến, hội thảo trực tuyến Webinar, triển lãm trực tuyến... Chúng tôi đặc biệt hỗ trợ cho các DN hiện hữu trong KCN, giúp họ tìm kiếm nguồn cung ứng mới”. Ông Hùng cũng kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho các ý tưởng mới phù hợp yêu cầu thời đại, tăng lợi thế cạnh tranh của đất nước trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong thời kỳ hậu đại dịch, việc đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ hành chính cho các DN sẽ là yếu tố then chốt.
TIỂU MY