Kinh tế - xã hội đất nước phục hồi mạnh sau đại dịch

Cập nhật: 04-01-2023 | 09:00:09

* Bình Dương phát triển ấn tượng

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong năm 2022, kinh tế - xã hội đất nước đã từng bước phục hồi sau đại dịch, tăng trưởng 8%, vượt kế hoạch đề ra 6-6,5%. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Với Bình Dương, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra

Ngày 3-1, tại Hà Nội, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương, tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tham dự hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tham dự tại điểm cầu tại Bình Dương có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành.

Lãnh đạo tỉnh và các sở ngành tham dự Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tại điểm cầu Bình Dương. Ảnh: MINH DUY

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ năm 2022, tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã đoàn kết, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đã cùng các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực, kiểm soát được đại dịch Covid-19, kinh tế phục hồi nhanh và phát triển bền vững...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với phương châm: “Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”. Tranh thủ thời cơ, vận hội, “biến nguy thành cơ”, tạo nền tảng căn cơ, lâu dài cho đất nước phát triển bền vững.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kinh tế - xã hội đất nước phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện, đạt được mục tiêu tổng quát, đạt và vượt 13 chỉ tiêu, xấp xỉ đạt 1 chỉ tiêu và chưa đạt 1 chỉ tiêu trong số 15 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu do Trung ương, Quốc hội giao. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chú trọng hơn. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, được đẩy mạnh…

Bình Dương phát triển ấn tượng

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết năm 2022, trong bối cảnh khó khăn, ngay từ đầu năm, tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, kinh doanh, thành lập các khu công nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, tạo lòng tin, phấn khởi cho doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó tỉnh phối hợp nghiên cứu, triển khai các dự án giao thông kết nối, liên kết vùng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Kết quả, tỉnh đã đạt và vượt 29/34 chỉ tiêu kế hoạch năm 2022. Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 8,01%; GRDP bình quân đầu người đạt 166 triệu đồng; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16,8%. Thu ngân sách đạt hơn 66.000 tỷ đồng, đạt 110% dự toán đầu năm, chi ngân sách ước đạt 18.500 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 61,5 tỷ đô la Mỹ, thặng dư thương mại đạt 10 tỷ đô la Mỹ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 154.473 tỷ đồng, tăng 12,9%. Thu hút đầu tư nước ngoài 3,1 tỷ đô la Mỹ và gần 100.000 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh. Lũy kế đến nay, tỉnh thu hút đầu tư nước ngoài gần 40 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 2 cả nước và gần 630.000 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, tương đương 25 tỷ đô la Mỹ.

Kinh tế Bình Dương phục hồi và tăng trưởng ấn tượng sau đại dịch. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Đại Hoa, TX.Tân Uyên. Ảnh : TIỂU MY

Ông Võ Văn Minh cho biết năm 2023 dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp cụ thể, tích cực. Trong đó tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, các kết luận của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bình Dương. Kịp thời rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc trên các lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, thủ tục cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, thành lập các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Khẩn trương triển khai các bước tiếp theo của Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, quyết tâm điều hành, tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch đầu tư công năm 2023. Khẩn trương hoàn tất các thủ tục pháp lý, bố trí đủ vốn, tiến hành đền bù, khởi công một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; xúc tiến thủ tục thực hiện đường ven sông Sài Gòn, đường sắt Bàu Bàng - Cái Mép. Tiếp tục thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo thiết thực hơn cho các đối tượng.

MINH DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=355
Quay lên trên