(BDO) Sáng 3-1, tại Hà Nội, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Đến dự hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Dương có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ngành.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đến tham dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ năm 2022 tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo. Thủ tướng cho biết năm 2022 nền kinh tế chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên ngoài và bên trong đến cùng một thời điểm. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã đoàn kết, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội; dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chính phủ đã cùng các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực, kiểm soát được đại dịch Covid-19, kinh tế phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tham vấn ý kiến, kiểm tra thực tiễn, đánh giá tình hình, phát hiện, giải quyết những hạn chế, bất cập. Cùng với đó, đổi mới cách làm, không dàn trải, xác định trình tự ưu tiên, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác để đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, tại các địa phương và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Chúng ta đã vừa nỗ lực xử lý hiệu quả những nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao, nhân dân chờ mong, đòi hỏi ngày càng lớn, vừa ứng phó kịp thời, hiệu quả các vấn đề cấp bách phát sinh diễn biến nhanh, khó lường, khó dự báo, đồng thời phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng, khó khăn, nhạy cảm kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, nhất là 6 ngân hàng yếu kém, 8/12 doanh nghiệp, dự án thua lỗ, các nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Long Phú 1, Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn; quyết tâm, quyết liệt chấn chỉnh, lành mạnh hóa các thị trường tín dụng, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản...
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; đạt được mục tiêu tổng quát; đạt và vượt 13 chỉ tiêu, xấp xỉ đạt 1 chỉ tiêu và chưa đạt 1 chỉ tiêu trong số 15 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu do Trung ương, Quốc hội giao. Công tác xây dựng pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được quan tâm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chú trọng hơn. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, được đẩy mạnh.
Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả đạt được của năm 2022 cao hơn năm 2021 là minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự chung sức, đồng lòng, ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội tham dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ
Thủ tướng cho biết bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Những hạn chế, bất cập nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Thủ tướng khẳng định, năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Thực hiện Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với phương châm: “Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”. Tinh thần đã nói là làm; đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả, sản phẩm lượng hóa được cụ thể, rõ ràng, cân đong, đo, đếm được. Tranh thủ thời cơ, vận hội, “biến nguy thành cơ”, vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao, vừa giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập, tồn đọng kéo dài, vừa kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh, đồng thời tạo nền tảng mang tính căn cơ, lâu dài cho phát triển bền vững.
Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành tham dự tại điểm cầu tỉnh Bình Dương
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thông qua các báo cáo thể hiện khá đầy đủ, toàn diện. Đồng thời, Tổng Bí thư lưu ý cần tổng kết nhìn lại những nguyên nhân, kết quả đã đạt được, để từ đó thêm bài học kinh nghiệm tốt trong công tác quản lý, điều hành.
Tổng bí thư nhấn mạnh nhìn tổng thể, năm 2022, bên cạnh thời cơ, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều thách thức, nhất là sự suy giảm của kinh tế thế giới, dịch bệnh, thiên tai, giá nguyên liệu, nhiên liệu (xăng dầu), vật tư tăng mạnh làm chi phí đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã giành được thắng lợi khá toàn diện khi chúng ta vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tốt vừa hoàn thành được 14/15 chỉ tiêu đề ra, tăng trưởng kinh tế đạt 8% cao hơn mức 6-6,5% đã đề ra, đưa đất nước tiếp tục nằm trong top 25 nền kinh tế hàng đầu trên thế giới.
Để triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, trên cơ sở phân tích tình hình, nguyên nhân đã đạt được trong năm 2022 cần rút ra những bài học kinh nghiệm. Năm 2023 là năm bản lề thứ 3 có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cần phát huy thành tựu 30 năm đổi mới của đất nước, tăng cường sự đoàn kết “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” tiếp tục kiên trì và kiên quyết đổi mới sáng tạo, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước và vai trò làm chủ của nhân dân, từ đó tạo nên sự đồng tâm, đoàn kết toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chủ động tranh thủ mọi thời cơ để phục hồi, phát triển nhanh và bền vững hơn.
Nhân dịp năm mới 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc Chính phủ, các địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đã được, phát huy những thành tích, bài học kinh nghiệm để đạt được kết quả tốt hơn trong năm 2023.
MINH DUY