Ngày 31-5, UBND tỉnh tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 5 đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp với sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ngành, huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Thông tin từ UBND tỉnh cho biết nền kinh tế - xã hội của tỉnh nhà tiếp tục có những cột mốc tăng trưởng ấn tượng, đáng ghi nhận sau thời gian dài khó khăn do dịch bệnh. Trong đó, ấn tượng nhất có thể kể đến là chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5-2022 tiếp tục tăng 9% so với tháng trước, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu đáng mừng, ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng trở lại ở thủ phủ công nghiệp.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp lần thứ 12, phiên họp thường kỳ tháng 5-2022 của UBND tỉnh chiều 31-5
Kinh tế tăng trưởng ấn tượng
Bên cạnh chỉ số ấn tượng từ sự tăng trưởng ngoạn mục của lĩnh vực công nghiệp, lĩnh vực thương mại - dịch vụ cũng dần phục hồi và trở lại mức tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong tháng 5-2022 ước đạt 22.806 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước, 17,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5-2022 của tỉnh ước đạt 3.504 triệu USD, tăng 6,2% so với tháng trước và 17% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 2.524 triệu USD, tăng 23,3% so với tháng trước và 0,8% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh giá xăng dầu trên thế giới liên tục tăng mạnh gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn và đời sống của người dân, UBND tỉnh đã có phương án chỉ đạo các ngành chức năng thành lập các tổ công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Sự hoạt động tích cực của các tổ công tác đã trực tiếp ngăn chặn tình trạng các doanh nghiệp găm hàng tăng giá để trục lợi. Đến nay, hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát ở mức ổn định.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, thời gian qua tỉnh tiếp tục chỉ đạo các huyện, thị, thành phố đẩy mạnh hoạt động đầu tư công để các xã nông thôn hoàn thành, đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao… Đồng thời, tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các ngành chức năng tăng cường hoạt động hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân tiếp cận kỹ thuật, nguồn vốn và con giống mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2022, tỉnh đã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đối với 11 xã.
Bám sát các nhiệm vụ phát triển
Sau khi thông qua nội dung báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh tháng 5-2022, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục chủ trì phiên họp thông qua một số nội dung khác, như: Đề án “Củng cố, tăng cường, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất ngành giáo dục tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết về Danh mục Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết về Danh mục Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết về Chiến lược phát triển thanh niên tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030; Quyết định sửa đổi Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 11- 10-2018 của UBND tỉnh ban hành quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Danh mục dự án nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thực hiện dự án phi nông nghiệp theo Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18-12-2020 của Chính phủ…
Phát biểu tại phiên họp, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở ngành, địa phương triển khai thực hiện các Nghị quyết số 01/ NQ-CP ngày 8-1-2022, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10-1-2022, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về việc tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, xây dựng, các thủ tục cản trở hoạt động đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư, phương thức xúc tiến đầu tư. Tỉnh đồng thời cũng sẽ tiếp tục đôn đốc các sở ngành, địa phương hoàn thành đồ án xây dựng Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục nâng cao cảnh giác trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh lây nhiễm có nguy cơ cao cho cộng đồng.
Công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước và thúc đẩy chuyển đổi số trong môi trường doanh nghiệp cũng là một trong những nội dung ưu tiên của tỉnh trong thời gian tới. Với tinh thần chung tay thực hiện xây dựng chính quyền điện tử theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và mục tiêu xây dựng đô thị thông minh của tỉnh, thời gian tới tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở ngành, địa phương đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ vào hoạt động quản lý nhà nước. Ngoài ra, các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ cũng cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thực hiện chuyển đổi số, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng tới mục tiêu mở rộng, chinh phục các thị trường trong và ngoài nước.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tình ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Dù mới phục hồi sau thời gian dịch bệnh, nhưng tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản đã có nhiều khởi sắc và đáng tự hào. Theo đó, tổng thu ngân sách trong tháng 5 đạt 4.400 tỷ đồng. Tổng đầu tư trong nước đạt 30.997 tỷ đồng, đầu tư ngoài nước đạt 2.492 triệu USD. Đây là những con số ấn tượng khẳng định sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm của tỉnh nhà. Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện công tác Quy hoạch phát triển đô thị, hoàn thành đồ án Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và thực hiện đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng các quỹ đất công để phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nguồn thu lớn giúp tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề vững chắc để phát triển bền vững trong tương lai. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế: Trải qua trận đại dịch Covid-19 vừa qua, ngành y tế tỉnh nhà cần thêm nguồn lực để nâng cao năng lực và khả năng phản ứng đối với tuyến y tế cơ sở. Trong đó, đối với vấn đề nguồn nhân lực, Sở Y tế đang đề nghị các cơ sở giáo dục, các đơn vị, cơ sở y tế tuyến trên cung cấp dịch vụ giáo dục cao đẳng, đại học, bồi dưỡng công chức, viên chức y tế. Bên cạnh đó, sở cũng kiến nghị tỉnh có chủ trương đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng y tế, trang bị thêm máy móc hiện đại phù hợp với năng lực, chức năng của các cơ sở y tế. Việc này sẽ giúp ngành y tế các cấp luôn chủ động và sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn: Đề nghị các địa phương sớm xây dựng phương án nạo vét hệ thống kênh mương, cống rãnh để khai thông dòng chảy, hạn chế tình trạng ngập úng khi xuất hiện tình trạng mưa lớn. Bên cạnh chương trình phòng chống thiên tai, ngập lụt mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thực hiện, sở kiến nghị các sở ngành, địa phương liên quan xây dựng phương án quy hoạch hệ thống thoát nước gắn liền với các dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, tuyến phố… |
ĐÌNH THẮNG