Kỹ lưỡng, trách nhiệm cao trong chuẩn bị các dự án trình Quốc hội

Cập nhật: 19-08-2022 | 16:39:50

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022.

Sau 4 ngày làm việc liên tục, với tinh thần khẩn trương, tập trung và trách nhiệm cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình của Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022.

Thành công của phiên họp là bước rất quan trọng để thực hiện thông báo Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV; Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đồng thời đây cũng là một bước rất quan trọng để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 sắp tới.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào 8 dự án luật và 1 dự án nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Trong đó, 5 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Đó là các dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Ba dự án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 là: dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự và Luật Phòng, chống rửa tiền. Trong đó, Luật Phòng, chống rửa tiền sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét, nhất trí bổ sung dự án Nghị quyết về Nội quy kỳ họp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 với tỷ lệ tán thành rất cao.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và thông qua theo thẩm quyền Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng và Nghị quyết Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị cho phiên họp lần này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, các dự án trình ra đều được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, có chất lượng rất cao và có sự đồng thuận cao.

Có được kết quả như vậy là nhờ Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, các bộ, ngành trong việc chuẩn bị các nội dung trình, đặc biệt là Bộ Tư pháp trong công tác thẩm định kỹ lưỡng và tham gia họp đầy đủ, tham gia phát biểu ý kiến với tính xây dựng và trách nhiệm cao, đeo bám đến cùng.

Bên cạnh đó, các cơ quan chủ trì thẩm tra các dự án luật, cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, trách nhiệm cao.

Đơn cử với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đây là dự án Luật có nội dung phức tạp, liên quan đến tổ chức bộ máy và hoạt động thanh tra trong nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương, đồng thời có mối quan hệ mật thiết với nhiều luật khác.

Vì vậy, để có thêm cơ sở thực tiễn, cơ sở lý luận phục vụ việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức khảo sát, làm việc với một số cơ quan là đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của dự thảo Luật; tổ chức các cuộc họp với lãnh đạo cơ quan soạn thảo, đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để trao đổi, thống nhất nội dung tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu.

Vì vậy, một số nội dung còn ý kiến khác nhau (khi đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3) như việc duy trì thanh tra cấp huyện... đã được tiếp thu, chỉnh lý, thể hiện quan điểm rõ ràng trong Báo cáo thẩm tra. Vấn đề này đã nhận được sự ủng hộ, nhất trí cao của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề tháng 8/2022.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, việc tiếp tục duy trì, củng cố thanh tra huyện để tham mưu, giúp Ủy ban Nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra là cần thiết, bảo đảm cho chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo phân cấp, kịp thời phát hiện sai phạm ngay từ cơ sở; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và trung ương.

Bên cạnh đó, thanh tra huyện không chỉ thực hiện nhiệm vụ về thanh tra, mà còn là đầu mối tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ được giao trong các luật khác, như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng... Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Chính phủ đã trình.

Khẳng định sự cần thiết phải duy trì hoạt động thanh tra cấp huyện trên tinh thần "ở đâu có cấp hành chính, ở đó phải có thanh tra," Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chỉ rõ, thực tiễn giám sát cho thấy, một trong những bất cập hiện nay trong hoạt động của thanh tra cấp huyện là do thiếu sự quan tâm về tổ chức, biên chế, đào tạo, nguồn nhân lực và các điều kiện bảo đảm hoạt động.

Vì thế, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần có giải pháp củng cố về tổ chức, biên chế, đào tạo nhân lực và bảo đảm các điều kiện cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để thanh tra huyện có đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, ngoài thực hiện nhiệm vụ thanh tra, thanh tra cấp huyện còn giúp chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Tán thành việc tiếp tục duy trì cơ quan cấp huyện, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, cần thiết phải tăng cường nhân sự cho thanh tra cấp này.

"Vì chưa được quan tâm đúng mức trong thời gian qua nên Thanh tra cấp huyện chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm," ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh và đề nghị quy định các cơ quan thanh tra được trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra thực nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất...

Có thể thấy, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, công tác xây dựng thể chế đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm chú trọng, có nhiều cố gắng, đổi mới. Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị, phiên họp chuyên đề bàn về công tác xây dựng pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều đổi mới trong chỉ đạo việc thực hiện Chương trình, cho ý kiến, thảo luận kỹ lưỡng, thận trọng các dự án luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội. Lãnh đạo Quốc hội đã chủ động làm việc từ sớm để cho ý kiến chỉ đạo về định hướng xây dựng, thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.

Đặc biệt, Đảng đoàn Quốc hội đã xây dựng, trình Bộ Chính trị thông qua và ban hành Kết luận số 19-KL/TW về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, từng cơ quan của Quốc hội đã kịp thời xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW.

Tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới, nhiều dự án luật khó, chuyên môn sâu, lĩnh vực tác động rộng lớn sẽ được đưa ra bàn thảo, xem xét. Vì thế, sau phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục triển khai phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022 và tháng 9/2022 để chuẩn bị kỹ lưỡng, xem xét toàn diện, đảm bảo chất lượng cao nhất các dự án luật trước khi trình Quốc hội.

Dự kiến tại phiên họp chuyên đề tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 6 dự án luật; trong đó có nhiều dự án luật khó như Luật Phòng thủ dân sự, Luật Đất đai (sửa đổi) hay Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Do đó, "phải chuẩn bị ngay từ bây giờ và không được để công việc của tháng 9 dồn sang tháng 10," Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan cùng tinh thần trách nhiệm cao, cử tri, nhân dân tin tưởng chất lượng văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết được nâng lên, giải quyết được nhiều vấn đề mới, khó, cấp bách, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. 

Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện đầy đủ, thống nhất, ổn định, không chỉ tạo nền tảng chính trị pháp lý vững chắc cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, mà còn góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=253
Quay lên trên