Một nhiếp ảnh gia New Zealand đã chụp được các bức ảnh các sinh vật phù du phát ra ánh sáng xanh kỳ ảo ở bãi biển của vịnh Tindalls (Auckland).
Các sinh vật phù du tỏa ánh sáng xanh khi hoàng hôn xuống khiến bờ biển vịnh Tindalls trở nên vô cùng kỳ ảo.
Alistair Bain tình cờ gặp hiện tượng kỳ thú này ở Vịnh Tindalls trong một lần đi dạo biển với mẹ.
Nhiếp ảnh gia nghiệp dư và là giáo viên trung học cho biết: "Rất khó để ghi lại khoảnh khắc vô cùng kỳ thú của cảnh tượng đó". Anh cho biết rất nhiều người dân địa phương thích thú hiện tượng đầy mê hoặc này.
Nhiếp ảnh gia đã cùng mẹ xuống vùng nước phát sáng để tìm hiểu bản chất hiện tượng. “Nó thường bắt đầu khoảng 30 phút sau khi mặt trời lặn. Hiện tượng này sẽ trở nên thực sự ấn tượng khi trời tối hẳn - Đó là khi các sinh vật thực sự tỏa sáng”, Bain nói.
Bain cho biết, trước đây, anh chỉ từng nhìn thấy hiện tượng sinh vật phù du phát sáng một lần khi đuổi theo mẹ và chị gái trên bãi biển.
“Chị tôi đã chỉ cho tôi thấy những vùng nước có màu sắc bất thường ở vịnh vào sớm ngày hôm đó”, Bain nhớ lại. “Chị tôi có nói rằng nếu ra biển vào buổi đêm sẽ thú vị hơn nữa. Vậy là tôi đã được ngắm nhìn cảnh tượng kỳ thú này suốt mấy năm qua và giờ đó là niềm đam mê của tôi”.
Cảnh tượng kỳ diệu này không chỉ xuất hiện ở vịnh Tindalls mà còn ở cả bờ biển Whangaparaoa - nơi Bain đang sống. Lân tinh là phản ứng hóa học trong cơ thể của một số sinh vật.
Bain cho biết rất khó để ghi lại vẻ kỳ thú của cảnh tượng tuyệt đẹp này qua ống kính máy ảnh. Daniel Ward, một đồng nghiệp của Bain, có bằng cấp về khoa học Đại dương cho biết ánh sáng trong cơ thể sinh vật là một cơ chế phòng thủ nhằm “đánh lạc hướng và trốn tránh kẻ thù”.
“Thật khó để dự đoán khi nào các sinh vật phù du này sẽ phát sáng ngay cả trong điều kiện nước ấm áp đúng nhiệt độ chúng ưa thích. Để chúng phát sáng, nước còn cần phải động không ngừng vì chỉ khi đó mới kích hoạt cơ chế phòng thủ của các sinh vật biển này”.
Hầu hết các sinh vật phù du đều có khả năng phát sáng.
Theo Dân Trí