Sau nhiều lần tổ chức các chương trình gặp gỡ, tọa đàm thúc đẩy hợp tác thương mại, mới đây UBND tỉnh đã phối hợp với Vùng Kinh tế Kansai (Meti Kansai, Nhật Bản) tổ chức hội thảo chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành môi trường tỉnh. Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp (DN) thuộc hệ sinh thái Vùng Kinh tế Meti Kansai đã giới thiệu, chia sẻ những công nghệ, giải pháp xử lý và bảo vệ môi trường cho các vùng kinh tế đặc thù trên địa bàn.
UBND tỉnh phối hợp Vùng Kinh tế Kansai (Meti Kansai, Nhật Bản) tổ chức hội thảo chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành môi trường tỉnh
Mang đến công nghệ mới
Trong chương trình hội thảo, đại diện các DN thuộc hệ sinh thái Vùng Kinh tế Meti Kansai đã giới thiệu nhiều công nghệ, giải pháp xử lý, bảo vệ môi trường theo định hướng phù hợp với thực tiễn của các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phần lớn các giải pháp được xây dựng, cấu thành trên cơ sở những nguyên lý khoa học tiên tiến, có khả năng xử lý, bảo vệ tốt cho môi trường công nghiệp đang hiện hữu và tầm nhìn phát triển của tỉnh.
Cụ thể, đại diện Công ty Horiba Seisakusho đã giới thiệu hệ thống thiết bị giám sát môi trường thế hệ mới, gồm: Hệ thống quan trắc chất lượng nước cấp; phân tích coliforms; đo độ dẫn, điện suất; thiết bị đo TOC; thiết bị quét laser phát hiện dầu trên bề mặt; hệ thống quan trắc khí thải ống khói tự động CEMs. Theo giới thiệu, phần lớn các hệ thống thiết bị này đều ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động phân tích và trả kết quả về hệ thống trung tâm dữ liệu tức thời. Giúp ngành chức năng làm tốt nhiệm vụ quản lý, giám sát, DN cũng chủ động nắm được chất lượng các loại nước, khí đầu vào, đầu ra để tránh những sự cố môi trường đáng tiếc.
Đến với hội thảo, Công ty Kubota, Công ty Kobelco Eco- Solutions, Công ty Kuraray Trading… cũng giới thiệu nhiều giải pháp ứng dụng vào kinh tế - xã hội. Trong đó có công nghệ xử lý nước hiện đại, sử dụng màng rồng UF và than hoạt tính vào xử lý nước thải mà các DN giới thiệu nhận được nhiều phản hồi tích cực từ ngành chức năng, địa phương. Với 48 khu, cụm công nghiệp hiện hữu và dự kiến tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Bình Dương có nhu cầu lớn về việc triển khai các dự án xử lý môi trường công nghiệp và sinh hoạt, đặc biệt là vấn đề nước thải, khí thải và chất thải rắn.
Với hệ thống dây chuyền công nghệ hiện đại trực tiếp giúp nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ giải quyết tốt các vấn đề về môi trường, công nghệ xử lý môi trường của các DN đến từ xứ sở mặt trời mọc đang được kỳ vọng sẽ giúp Bình Dương giải quyết tốt bài toàn khó này.
Sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao
Kết thúc chương trình hội thảo chuyển giao công nghệ xử lý và đào tạo nguồn nhân lực ngành môi trường mới đây, UBND tỉnh và Cục Kinh tế, thương mại và Công nghiệp Vùng Kinh tế Kansai đã ký biên bản ghi nhớ và sẵn sàng mở ra nhiều chương trình hợp tác trong tương lai. Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2022, các đoàn công tác là DN, ngành chức năng của hai bên sẽ thường xuyên tổ chức các chương trình tham quan, học tập để tìm ra những phương án, giải pháp phù hợp nhất cho công tác xử lý môi trường trên địa bàn tỉnh.
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác, Meti Kansai cam kết sẽ hỗ trợ chính quyền, DN và người dân Bình Dương tiếp cận các dây chuyền, công nghệ xử lý môi trường hiện đại, hiệu quả. Đại diện Meti Kansai cũng khẳng định sẽ tích cực giám sát và thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng các nhu cầu, tiêu chí để đủ khả năng lắp đặt, vận hành và bảo trì, bảo dưỡng hệ thống trang thiết bị thay vì phải lệ thuộc vào DN cung ứng như một số quốc gia khác.
Trên tinh thần xúc tiến các hoạt động xử lý môi trường, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đề nghị các sở ngành, địa phương nghiên cứu kỹ và có hướng đề xuất, tham mưu UBND tỉnh sớm áp dụng, vận hành các công nghệ, dây chuyên xử lý môi trường hiện đại để nâng cao hiệu lực, hiệu quả về bảo vệ môi trường trên địa bàn. Trong đó, các vấn đề liên quan đến giải pháp công nghệ trong xử lý nước thải đô thị, nước thải công nghiệp, kiểm soát các nguồn khí thải công nghiệp, nhất là cơ sở xử lý có lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại, công nghệ tái chế các loại chất thải công nghiệp, đốt chất thải thu hồi năng lượng… được tỉnh quan tâm và sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao nếu giải pháp của đối tác giải quyết tốt các vấn đề, nhu cầu của tỉnh.
ĐÌNH THẮNG