Kỳ vọng gì về hội thảo quốc tế “Viễn cảnh Đông Nam bộ”?

Cập nhật: 04-06-2018 | 08:39:31

 Trường Đại học Thủ Dầu Một, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh vừa tổ chức Lễ công bố hội thảo quốc tế “Viễn cảnh Đông Nam bộ” lần 1 năm 2018. Theo đó, dự kiến hội thảo có 200 đại biểu là các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu và làm việc liên quan đến chủ đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia. Bên cạnh đó còn có sự hiện diện của đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, chính quyền địa phương và các tập đoàn, doanh nghiệp tại khu vực Đông Nam bộ. Hội thảo sẽ tập trung nghiên cứu và thảo luận 4 chủ đề thuộc 4 lĩnh vực lớn của đời sống gồm: Khoa học công nghệ, chính sách quản lý, kinh tế - văn hóa, giáo dục - đào tạo.

Đông Nam bộ là trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước. Một mạng lưới dày đặc các khu công nghiệp tập trung ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vùng Tàu và đang mở rộng ra Long An, Tiền Giang. Đây là vùng kinh tế có hệ thống cảng tốt và có hậu phương công nghiệp tốt. Các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đi tiên phong trong hầu hết các ngành, lĩnh vực ưu thế của vùng. Tính đến nay, vùng Đông Nam bộ chiếm khoảng 60% số dự án và gần 50% vốn FDI của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu của vùng chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Hội thảo sẽ là diễn đàn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về vấn đề nguồn nhân lực của các quốc gia châu Á và trên thế giới; kết nối các học giả, doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương hướng đến một nhận thức chung về vấn đề nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó xây dựng những giải pháp hữu hiệu với sự tham gia đồng bộ của các bên liên quan; xây dựng hệ sinh thái tri thức với sự phối hợp giữa các bên liên quan để từng bước hiện thực hóa tầm nhìn cho sự phát triển nguồn nhân lực của khu vực Đông Nam bộ.

Theo các chuyên gia, viễn cảnh Đông Nam bộ trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chắc chắn phải hình thành cho được theo mô hình “đàn sếu bay” mà giới nghiên cứu kinh tế thường nhắc tới. Và “đàn sếu bay” này phải hướng ra biển, chứ không phải bay vào trong đất liền. Qua hội thảo sẽ giúp Bình Dương nói riêng và các tỉnh, thành Đông Nam bộ nói chung có cái nhìn toàn cảnh hơn về nhiều vấn đề liên quan tới cuộc cách mạnh công nghiệp 4. 0, xu thế hội nhập… để mỗi tỉnh, thành có những điều chỉnh chiến lược cho phù hợp bối cảnh thực tế của địa phương cũng như sự phát triển chung của toàn khu vực Đông Nam bộ.

 HOÀNG PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=254
Quay lên trên