Kỳ 1: Đầu tư tốt vẫn khó tuyển sinh
Chuẩn bị cho năm học mới 2012-2013, các trường nghề bước vào mùa cao điểm tuyển sinh, thế nhưng mùa tuyển sinh năm nay nhiều trường nghề đang vẫn phải đối mặt với khó khăn không tuyển đủ chỉ tiêu. Trong khi đó tỷ lệ học sinh phân luồng vào trường nghề cũng đang bỏ học gia tăng.
Đầu tư cơ sở vật chất
Trong những năm qua, công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến và đổi mới, quy mô dạy nghề được mở rộng, thực hiện dạy nghề theo 3 cấp trình độ: cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề, đa dạng hóa các loại hình và ngành nghề đào tạo. Các trường nghề ở Bình Dương được xây mới khá khang trang bảo đảm cho nhu cầu ăn ở, học hành, vui chơi của học sinh, sinh viên trong nhà trường và được tập trung đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề bằng nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề”, trong năm 2011, trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore được phân bổ 9 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để đầu tư cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình, trang thiết bị dạy và học. Với 4 nghề ở 3 cấp độ khác nhau: nghề cắt gọt kim loại, điện tử công nghiệp cấp độ quốc tế; nghề cơ điện tử cấp độ ASEAN; nghề nguội sửa chữa máy công cụ cấp độ quốc gia, trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore đã tự phân chia kinh phí cho từng nghề phù hợp với cấp độ, giá thành thiết bị dạy nghề. Đến tháng 11-2011, trường hoàn tất danh mục mua sắm thiết bị theo dự án “Đổi mới phát triển dạy nghề”. Tại trường Trung cấp nghề Bình Dương và trường Trung cấp nghề Tân Uyên trong năm 2012 cũng được phân bổ hàng tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị dạy nghề và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề. Các trường này đang trong quá trình xây dựng danh mục mua sắm để trình UBND tỉnh phê duyệt. Về dự án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, trong năm 2011, các cơ sở thực hiện việc mua sắm trang thiết bị dạy nghề hơn 2,2 tỷ đồng (kinh phí năm 2010 chuyển sang). Kinh phí được phân bổ năm 2011 là 3 tỷ đồng cho 3 trường: Trung cấp nghề Thủ Dầu Một, Dĩ An và Tân Uyên; mỗi đơn vị 1 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị dạy nghề lao động nông thôn.
Vẫn chưa thu hút học sinh
Đến thời điểm này, hầu như các trường nghề đang bước vào mùa cao điểm tuyển sinh cho năm học mới 2012-2013. Hệ thống trường đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp hiện đang phải cạnh tranh gay gắt trong công tác tuyển sinh. Thầy Tô Chí Trí , Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Dĩ An, cho biết: “Năm học 2012-2013, trường đang trong thời gian tuyển sinh và dự kiến ngày 15-9 sẽ khai giảng năm học mới. Trường có chức năng đào tạo nghề trình độ trung cấp 2 năm cho học sinh có bằng tốt nghiệp THPT và đào tạo 3 năm cho học sinh tốt nghiệp THCS. Để thu hút học sinh vào trường, ngay từ tháng 2-2012, trường đã in 5.000 tờ thông báo tuyển sinh để thông báo kế hoạch tuyển sinh năm học mới; tổ chức hội nghị tuyển sinh, phân công giáo viên, viên chức nhà trường liên hệ đến các trường THPT, THCS trên địa bàn TX.Dĩ An để thông báo, tư vấn tuyển sinh cho học sinh nhằm giúp học sinh tìm hiểu các yêu cầu về tham gia lớp học, yêu cầu về đánh giá, tham dự và nắm được các cơ hội phát triển khi khóa học kết thúc. Cụ thể trường đã tư vấn tuyển sinh cho 1.094 học sinh ở trường THPT, 1.640 học sinh lớp 9 trường THCS trên địa bàn TX.Dĩ An. Phát hành các văn bản với nội dung thông báo tuyển sinh, phối hợp với Đài Truyền thanh TX.Dĩ An, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội (Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân...) và UBND các phường trên địa bàn TX.Dĩ An nhằm tổ chức, thực hiện tuyển sinh hệ trung cấp nghề năm 2012 cho nhà trường. Kết quả từ tháng 6-2012 đến giữa tháng 8-2012, nhà trường đã phát hành và bán hơn 150 hồ sơ học sinh học nghề (hồ sơ dự tuyển). Tuy nhiên, đến nay nhà trường chỉ thu nhận được gần 30 hồ sơ dự tuyển với các đối tượng (học 2 năm, 3 năm) và các ngành nghề đăng ký học khác nhau.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (giữa) tham quan gian hàng thí nghiệm tại hội thảo đào tạo nguồn nhân lực tại Bình Dương
Trong năm học 2012, trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore đã tuyển sinh 2 đợt vào tháng 3 và tháng 9. Tính đến nay, trường đã tuyển được khoảng 800 học sinh - sinh viên theo học nghề thuộc các bậc trung cấp nghề và cao đẳng nghề (hiện nay vẫn đang tiếp tục tuyển sinh cho đến hết tháng 9-2012). Tuy nhiên so với chỉ tiêu trường còn thiếu rất nhiều. “Năm nay, số lượng học sinh - sinh viên đến đăng ký nhập học giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm học 2011”, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore Nguyễn Thành Trí cho biết. Mặc dù trường đã có nhiều chính sách ưu đãi dành cho học sinh như: được xét cấp học bổng theo quy định, giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường, học sinh tốt nghiệp THCS (lớp 9) được địa phương trợ cấp 50% học phí theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP và sau khi tốt nghiệp được học liên thông lên bậc đại học cùng chuyên ngành...
Học sinh phân luồng cũng “bỏ cuộc”
Ông Nguyễn Thành Trí cho biết: Nhằm tích cực hưởng ứng chủ trương phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS (9/12) của UBND tỉnh, trường Cao Đẳng nghề Việt Nam - Singapore đã có kế hoạch tuyển sinh, đào tạo học sinh bậc trung cấp nghề, thời gian đào tạo là 3 năm (học sinh tốt nghiệp THCS). Từ đầu năm đến nay, nhà trường đã tuyển sinh được hơn 300 học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp nghề (hiện nhà trường vẫn đang tiếp tục tuyển sinh). Để có thể đưa thông tin hướng nghiệp đến học sinh, trong thời gian qua nhà trường đã tổ chức cho bộ phận tuyển sinh đi đến các trường THPT, THCS thông tin tư vấn để định hướng cho các học sinh không có khả năng tiếp tục học văn hóa ở bậc học cao hơn hoặc các em muốn học nghề do điều kiện gia đình khó khăn... chọn con đường học nghề để đi làm việc. Tuy nhiên, trong chương trình đào tạo bậc trung cấp nghề dành cho các đối tượng là học sinh tốt nghiệp THCS, trường phải thực hiện giảng dạy các môn văn hóa THPT thuộc nhóm I (các nghề thuộc khối công nghiệp), gồm các môn: toán, vật lý, hóa học và ngữ văn. Đây là thách thức lớn cho trường vì những học sinh tốt nghiệp THCS được phân luồng để vào học nghề tại trường nghề là những học sinh không còn ham thích học văn hóa; vì không thể tiếp tục học văn hóa ở những trường THPT, cho nên khi vào học trường nghề phải tiếp tục học văn hóa làm học sinh chán nản, không có động cơ và ý thức học tập nữa. Điều này đã gây không ít khó khăn cho trường trong việc giảng dạy các môn văn hóa nghề và thường là tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh thuộc đối tượng này không cao, tỷ lệ bỏ học lớn. Cụ thể trong những năm qua sau thời gian theo tỷ lệ bỏ học của học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề từ 30% đến 35%.
Tại trường Trung cấp nghề Bình Dương, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Phinh cũng cho biết: Trong những năm qua, trường đã biên soạn và sửa đổi chương trình học văn hóa, học nghề phù hợp với quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và học lực của các em học sinh. Trường cũng đã tuyển dụng và hợp đồng một số giáo viên dạy văn hóa có năng lực và kinh nghiệm giảng dạy cho các em để tạo môi trường học tập, vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi học sinh. Song song, nhà trường luôn phối hợp cùng với gia đình quản lý, giáo dục để các em rèn luyện học tập tốt hơn. Tuy nhiên, có một số học sinh phân luồng vào trường đã bỏ học giữa chừng. Năm học 2011-2012, có 220 học sinh THCS được nhập học tại trường Trung cấp nghề Bình Dương thì đến nay đã có gần 50 học sinh bỏ cuộc. Nguyên nhân là do ý thức học tập của các em chưa rõ ràng, các em không còn ham thích học văn hóa nên thường xuyên nghỉ học không phép, vi phạm nhiều lần quy định nên nhà trường đành phải ra quyết định kỷ luật. Theo chỉ tiêu, năm nay, trường sẽ tiếp nhận 250 học sinh đã tốt nghiệp THCS vào để vừa học văn hóa vừa học nghề. Để hoàn tất chương trình học văn hóa giúp học sinh sau 3 năm tốt nghiệp được bằng trung cấp nghề, nhà trường chủ động về chương trình đào tạo và giáo viên để dạy văn hóa cho các em.
Bình Dương hiện có 50 cơ sở dạy nghề. Năm 2011, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo được 30.470 học viên. Các ngành nghề đào tạo thu hút được nhiều người học như: Kỹ thuật sửa chữa lắp ráp máy tính, Quản trị mạng máy tính, Tin học văn phòng, Thiết kế đồ họa, Điện tử công nghiệp, Hàn, Cắt gọt kim loại, Lái xe, Kế toán doanh nghiệp. Ngoài những ngành nghề trên, còn có các nghề đào tạo cho lao động nông thôn như: Sinh vật cảnh, Kỹ thuật trồng nấm, Kỹ thuật cạo mủ cao su, Nấu ăn - đãi tiệc, Lái xe nâng hàng, Kỹ thuật trồng rau an toàn... đã thu hút được rất nhiều người tham gia, nâng số lượng ngành nghề trên địa bàn tỉnh là 66 ngành nghề.
TƯỜNG VY