Những ngày đầu năm học mới 2012-2013, chúng tôi có dịp về thăm trường Tiểu học Phước Sang (Phú Giáo), một trong số những trường thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Đây cũng là ngôi trường duy nhất của tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chọn triển khai thí điểm mô hình “trường tiểu học kiểu mới”. HS học theo nhóm
Không khí học tập trong những ngày đầu tiên ở trường tiểu học Phước Sang diễn ra thật nghiêm túc. Ở từng lớp học, học sinh (HS) chăm chú nghe cô giáo giảng bài, nhiều em mạnh dạn phát biểu ý kiến hoặc xung phong lên bảng làm bài tập, khiến cho lớp học thêm phần sôi nổi. Tuy chỉ là ngôi trường cấp 4, nhưng trông trường Tiểu học Phước Sang sạch sẽ và thân thiện. Đó cũng là một trong những lý do học sinh yêu thích ngôi trường làng này và ngày ngày siêng năng đến trường, dù có em nhà cách trường khá xa. Năm học này trường có trên 250 HS, trong đó 100% HS ra lớp 1. Đặc điểm chung của các trường ở vùng nông thôn là không bị áp lực quá tải, nên mỗi lớp tối đa chỉ 24 HS, một sĩ số đẹp và đúng chuẩn mà nhiều trường ở phía Nam mơ ước. Và dù ở vùng xa, phụ huynh còn khó khăn, nhưng nhà trường thuyết phục được họ cho con em học 2 buổi/ngày và có 7/10 lớp có tổ chức được bán trú. Đây là nỗ lực lớn của ban giám hiệu nhà trường, từ đó từng bước nâng cao được chất lượng giáo dục.
Năm học 2012-2013, trường Tiểu học Phước Sang được chọn thực hiện mô hình “trường tiểu học kiểu mới”, trường chọn 2 lớp 2 và 2 lớp 3 triển khai thí điểm. Khí thế học tập ở những lớp này càng rôm rả hơn. HS không ngồi theo kiểu truyền thống, mà các em được chia ra nhóm, mỗi nhóm khoảng 4 HS. Quan sát giờ học toán của lớp 2.2, chúng tôi thấy, khi đến giờ học từng nhóm trưởng đến tủ để sách đem về phát cho các thành viên trong nhóm. Khi GV ghi tựa bài học lên bảng, HS ghi theo, sau đó các em tự đọc phần hướng dẫn trong sách và cả nhóm cùng thảo luận, chỉ khi nào có gì không hiểu các em mới gọi GV đến trợ giúp. Với cách học này, bắt buộc tất cả HS cùng tham gia vào bài học. Cô Nguyễn Thị Yến, lớp 2.2 giải thích, phương pháp giảng dạy theo mô hình trường tiểu học kiểu mới khác hẳn so với trước, hoạt động của HS là chính, GV chỉ là người hướng dẫn. Ở mỗi môn học, HS đều trải qua 10 bước học tập: làm việc nhóm; viết tên bài học vào tập; đọc tên bài và xem mục tiêu của bài là gì; bắt đầu hoạt động cơ bản; kết thúc hoạt động cơ bản và gọi thầy cô giáo; bắt đầu hoạt động thực hành; thực hành hoạt động ứng dụng; đánh giá cùng thầy cô giáo; kết thúc bài, em viết vào bảng đánh giá; em đã học xong bài mới, hoặc em phải học lại phần nào.
Thầy Nguyễn Hồ Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với phương pháp mới, nội dung chương trình không thay đổi, chỉ thay đổi tài liệu học tập. Trước khi triển khai chương trình, nhà trường đã cử 1 phó hiệu trưởng và 3 giáo viên đi dự lớp tập huấn do Bộ GD-ĐT tổ chức. Hiện nay do đang chờ tài liệu hướng dẫn, các cô vẫn đang từng bước triển khai phương pháp giảng dạy mới. Bước đầu thầy trò có bỡ ngỡ, nhưng chúng tôi tin chắc mô hình mới này sẽ phát huy được tính tích cực, hiệu quả giáo dục sẽ được nâng lên”.
Lớp học theo mô hình mới được bố trí thân thiện hơn, gồm có các góc: thư viện, toán, tiếng Việt, cộng đồng... do mới bước vào năm học, chưa chuẩn bị kịp, nên trường đang đặt các kệ để bố trí các góc học tập. Cách thức tổ chức lớp học cũng có khác so với kiểu truyền thống. Mỗi lớp học là một hội đồng tự quản, chia ra các ban tự quản về học tập, sức khỏe, văn nghệ... giúp GV quản lý dễ dàng hơn.
Mô hình trường tiểu học kiểu mới phù hợp với vùng nông thôn. Đây là phương pháp học hiện đại, HS chủ động trong tất cả các hoạt động học tập, GV chỉ là người hướng dẫn, tổ chức, kiểm tra, đánh giá. Trong thời gian đầu có thể thầy trò sẽ lúng túng do chưa quen với phương pháp mới, nhưng chúng tôi hy vọng HS sẽ sớm thích ứng với cách học này. Và phương pháp học theo kiểu mới chắc chắn sẽ còn triển khai ra nhiều trường khác trên địa bàn Phú Giáo, cũng nhưng các trường tiểu học thuộc địa bàn vùng xa khác của tỉnh trong những năm học tới.
Bà Nguyễn Hồng Sáng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT:
Với phương pháp giảng dạy mới theo mô hình “trường tiểu học kiểu mới”, HS phát triển được kiến thức, kỹ năng, sự tự lập, tự tin, tự quản lý. Còn đối với giáo viên cũng phải thay đổi cách dạy, cách suy nghĩ, đánh giá HS. Phương pháp này có sự phối hợp giữa 3 bên: nhà trường - gia đình và HS. GV cùng phụ huynh xây dựng “bản đồ cộng đồng”. Nhìn vào bản đồ này GV, phụ huynh biết được khoảng cách mỗi HS đi từ nhà đến trường, những bạn nào nhà gần nhau để cùng giúp nhau đi học thuận tiện; xác định được những thuận lợi, khó khăn khi HS đi học; biết những địa điểm nguy hiểm để hướng dẫn các em phòng rủi ro, hoặc những địa điểm cần trợ giúp... Mô hình này, phụ huynh cùng với GV tham gia làm các đồ dùng học tập cho HS và có thể tham dự các buổi học của con em.
A.SÁNG