Ông Châu Văn Lợi, sinh năm 1968, ở ấp Suối Con, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2016-2019. Cần cù trong lao động, miệt mài chăm chỉ với mảnh vườn của mình, chịu khó nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quý báu của những lão nông đi trước trong nghề trồng bưởi chuyên canh đạt hiệu quả cao và đã thành công.
Ông Châu Văn Lợi bên vườn bưởi của gia đình
Vườn cây ăn trái của gia đình ông với diện tích hơn 12 ha, trồng xen canh các loại cây ăn trái như cam, bưởi, măng cụt, sầu riêng và nuôi chim yến đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết lao động tại địa phương từ 5 - 10 người, đời sống công nhân ổn định, lương trung bình hàng tháng từ 6 - 7 triệu đồng trở lên, được hỗ trợ nhà ở, điện nước miễn phí. Ngoài ra, công nhân ở đây được phép chăn nuôi gia cầm, gia súc, trồng rau để cải thiện đời sống.
Ông Lợi còn ấp ủ ý định xây dựng khu vườn cây ăn trái của gia đình thành khu du lịch sinh thái miệt vườn để thu hút khách tham quan, giới thiệu với bà con xa gần về các loại cây ăn trái. Ông Lợi tâm sự: “Tôi muốn kết hợp du lịch sinh thái khi xây dựng mô hình cây ăn trái. Hiện tôi đang tham quan học tập kinh nghiệm. Tôi nghĩ, nếu có quyết tâm thì mọi việc sẽ thành công”. Từ những gì học hỏi được, ông bắt đầu đầu tư một khu riêng để phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống cho du khách. Đến đây, du khách sẽ có dịp thưởng thức hương vị ẩm thực đồng quê và những món ăn chế biến từ các loại hoa quả, nghỉ dưỡng, vui chơi, cắm trại vào những dịp cuối tuần, đồng thời, du khách còn có thể tìm hiểu cách trồng, chăm sóc cây ăn trái...
Ông Lợi đã chứng minh ý tưởng của mình bằng những việc làm thiết thực và làm giàu trên mảnh đất của mình. Những năm gần đây, mủ cao su không còn được giá như trước, qua đúc kết những kinh nghiệm thực tế của những người trồng bưởi thành công, ông mạnh dạn chuyển 6 ha đất sang chuyên canh trồng bưởi da xanh. Ông Lợi chia sẻ: “Đặc điểm của loại cây trồng này là dễ bị bệnh vàng lá cho nên phải tuân thủ nghiêm các cách khắc phục để vườn bưởi xanh tốt và đạt năng suất cao”. Theo ông, đầu tiên là khâu chọn giống, cây giống phải sạch, đầy đủ rễ, có bộ lá tốt; đặc biệt là khâu chăm sóc, bón phân sap cho phù hợp từng giai đoạn thì cây mới cho quả chất lượng tốt. Về cách phòng bệnh, người trồng bưởi cần thường xuyên theo sát quá trình tăng trưởng của cây từ lúc nhỏ để có cách đề phòng các loại sâu bệnh xuất hiện và xử lý kịp thời. Cùng với đó, ông Lợi còn tận tình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn những nông dân chưa có điều kiện để sản xuất, giúp đỡ kỹ thuật canh tác để vươn lên thoát nghèo, tư vấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón một cách hợp lý, tiết kiệm tối đa cho nông dân.
Với cách làm như vậy, vườn bưởi của ông Lợi luôn sung sức và cho năng suất cao. Bước đầu mới thu hoạch trên 80 cây bưởi được 2 - 3 tấn; ước tính trong thời gian tới vườn bưởi da xanh của ông sẽ cho thu hoạch bình quân trên 20 tấn/ha, giá trung bình từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu về trên 500 triệu đồng/năm, kinh tế gia đình ông Lợi với 4 nhân khẩu ngày càng sung túc hơn. Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Lợi còn tích cực tham gia các hoạt xã hội, từ thiện của địa phương. Nhiều năm liền ông được Hội Nông dân các cấp công nhận là gương điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
THOẠI PHƯƠNG