Biểu diễn trống trận tại lễ giỗ Quốc Tổ ở trường Hùng Vương
Sôi nổi phần hội
Có mặt tại trường THPT chuyên Hùng Vương (trường Hùng Vương, TP.TDM) lúc 8 giờ sáng ngày giỗ tổ, chúng tôi đã cảm nhận không khí háo hức, phấn khởi của thầy và trò ở ngôi trường mang tên Quốc Tổ này. Năm nay, lễ giỗ tổ được trường Hùng Vương tổ chức trong suốt ngày 19-4, với hai phần nội dung chính: phần hội và phần lễ. Phần hội được bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng với nhiều hoạt động mang tính truyền thống dân gian. Đây là phần sôi nổi nhất với sự tham gia của tất cả các em học sinh. Tất cả các lớp đều phân chia thành viên để tham gia đầy đủ các phần thi. Phần thi dựng lều trại là dịp để các em thể hiện tính sáng tạo, đoàn kết. Khuôn viên sân trường là nơi học sinh dựng trại để cả lớp cùng nghỉ ngơi, sinh hoạt tập thể. Bên trong phòng, là nơi các bạn khéo tay thể hiện khả năng trong phần thi cắm hoa. Đông vui và sôi nổi nhất có lẽ là phần thi trò chơi dân gian, với nhiều trò chơi sôi nổi, thu hút đông đảo học sinh tham gia và cổ vũ như: kéo co, chuyền nước bằng tay, chạy xe đạp chậm…
Cùng diễn ra song song với các phần thi trên là hội thi gói và nấu bánh chưng, bánh tét. Đây là một hoạt động truyền thống trong chương trình lễ giỗ tổ hàng năm của trường Hùng Vương. Nhìn các em học sinh rất thành thạo trong các thao tác chọn lá, chọn nếp, pha màu bằng nước cốt các loại lá và gói bánh mới thấy, ở ngôi trường này, các em không chỉ được học kiến thức, mà còn được học rất nhiều điều bổ ích trong cuộc sống. Em Kim Đoàn Minh Thư, học sinh lớp 10T1, cho biết: “Mới được tham gia năm đầu tiên, nhưng em thấy chương trình lễ hội có nhiều hoạt động hướng về tổ tiên rất thiết thực. Hội thi là dịp để chúng em học hỏi cách gói bánh chưng, vừa thể hiện sự khéo léo của mình, lại có sản phẩm để dâng lên các vua Hùng trong ngày giỗ tổ…”. Em Nguyễn Thị Thanh Phương, học sinh lớp 11T, cho biết: “Được tham gia các hoạt động này em thấy rất vui. Các trò chơi dân gian rất sôi động, thể hiện được tinh thần đoàn kết và giúp chúng em thoải mái hơn sau những giờ học căng thẳng. Giỗ tổ là dịp nhắc nhở chúng em nhớ về cội nguồn, biết ơn các vua Hùng. Em thấy rất tự hào vì được học ở một ngôi trường mang tên Quốc Tổ và hứa sẽ cố gắng, nỗ lực học tập hơn nữa để xứng đáng là học sinh của trường, là con cháu của Vua Hùng…”.
Những sản phẩm của học sinh trong phần thi cắm hoa, gói và nấu bánh đoạt giải cao sẽ được trưng bày ở phòng truyền thống lịch sử dân tộc của trường. Những sản phẩm này là sự thể hiện tấm lòng thành kính do các em học sinh làm nên để dâng lên bàn thờ Tổ trong ngày lễ ý nghĩa này.
Ý nghĩa phần lễ
Hơn 18 giờ, không khí lễ giỗ tổ tại trường Hùng Vương như sôi động hơn bởi sự góp mặt biểu diễn của đội lân - sư - rồng. Những tiết mục múa lân, rồng và biểu diễn trống trận cùng hòa quyện vào không gian như tô đậm thêm nét truyền thống của phần lễ. Trong không khí thiêng liêng nguồn cội, mọi người cùng hướng lòng mình về đất Tổ với lòng tri ân sâu sắc công đức to lớn của tổ tiên và các bậc tiền nhân trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Các em học sinh đang tham gia hội thi gói - nấu bánh
Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, các đại biểu khách mời cùng toàn thể thầy cô, học sinh trường Hùng Vương đã cùng nhau ôn lại truyền thống lược sử thời đại Hùng Vương. Hơn 80 triệu con dân đất Việt nặng nghĩa đồng bào càng tự hào hơn khi người Việt Nam có chung một Tổ để hướng về, có chung một miền đất Tổ để nhớ, để tri ân.
Phát biểu ôn lại truyền thống, thầy Vương Văn Thanh, Hiệu trưởng trường Hùng Vương, khẳng định: “Niềm tin thiêng liêng khi đến giỗ tổ các Vua Hùng như đến bàn thờ tổ tiên trong gia đình với ý nghĩa lớn lao gắn nhà với nước: cha - mẹ trong gia đình và cha - mẹ dân tộc. Đạo thờ cha - mẹ chính là bản sắc văn hóa Việt Nam. Người Việt luôn tôn vinh con người, đặt niềm tin vào những điều tốt đẹp không chỉ cho riêng mình mà cho cả cộng đồng dân tộc như: cầu mong đất nước thanh bình, mưa thuận gió hòa, sức khỏe dồi dào, vạn sự như ý, nhà nhà hạnh phúc, người người ấm no… Ngày giỗ tổ, người Việt Nam ta ở mọi miền đất nước hay ở xa Tổ quốc, đều hướng về Quốc Tổ, hướng về cội nguồn dân tộc với lòng biết ơn công lao các Vua Hùng, với niềm tin vào sức mạnh trường tồn và phát triển của dân tộc. Mỗi người Việt Nam ai cũng đều tự hào là “Con Lạc, cháu Hồng”, tự hào về non sông gấm vóc mà các Vua Hùng đã gầy dựng nên để suốt cả đời người luôn mang trong mình một trái tim thiêng liêng, một dòng máu đỏ hào hùng của dân tộc…”.
Phần lễ được tiếp tục với nghi lễ khai chiêng - khai trống. 54 học sinh - đại diện cho 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam - dâng lễ lên bàn thờ Quốc Tổ. Lễ dâng gồm có 18 đèn sáp, 18 giỏ hoa, 18 dĩa bánh chưng. Đèn tượng trưng cho ánh sáng, niềm tin vào tương lai; hoa tượng trưng cho sự tinh túy của đất trời hun đúc mà thành; bánh là sản vật do bàn tay con người tạo nên, tượng trưng cho cuộc sống, sức lao động, sự khéo léo, cần cù của người dân. Tất cả là tấm lòng của người dân Bình Dương dâng lên Quốc Tổ với tất cả tâm thành kính, tri ân, tưởng nhớ công đức khai sinh giống nòi, tạo dựng giang sơn của Chư Tổ. Tiếp theo đó là lễ dâng hương lên bàn thờ Quốc Tổ; lễ tế văn, tế võ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị, đại diện các sở ban ngành, đoàn thể trong tỉnh, thầy và trò trường Hùng Vương cùng thành kính thắp nén hương thơm lên bàn thờ Quốc Tổ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Phần lễ được kết thúc khi các em học sinh trường Hùng Vương mang sản phẩm bánh chưng tặng cho đại biểu và khách mời.
Phát huy truyền thống vẻ vang cao đẹp của dân tộc, dân nhân Bình Dương đã và đang góp sức, chung tay cùng xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng đáng là “Con Lạc, cháu Hồng”…
HỒNG THUẬN