Năm nay tròn 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820), rất nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức. Tôi đến thăm trường Tiểu học Nguyễn Du vào một ngày cuối tháng 11. Và, chuyện lễ nghĩa ở đây thật đáng cho chúng ta trân trọng…
Các em học sinh cùng giáo viên tại phòng truyền thống của trường
Đưa chúng tôi đi thăm quanh trường, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết, tập thể giáo viên, học sinh luôn tự hào vì được dạy và học ở ngôi trường mang tên đại thi hào của dân tộc. Tại phòng truyền thống của trường là bức tượng đồng của Nguyễn Du, tấm bảng ghi tóm tắt tiểu sử của ông. Những thông tin ghi trên tấm bảng rất trân trọng này thật ngắn gọn và đầy đủ: Nguyễn Du, tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông sinh năm Ất Dậu (1765) ở phường Bích Câu, thành Thăng Long, sau này là Hà Nội. Thân phụ của ông là Nguyễn Nghiễm, làm quan tới chức Tể tướng. Thân mẫu là Trần Thị Tấn, người xã Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc (Bắc Ninh). Ông đỗ Tam trường thi hương khi 19 tuổi, ông là người học rộng, am hiểu các môn thi họa. Ông mất năm 1820. Tác phẩm tiêu biểu có Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh… Ông là đại thi hào của dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới. Với học sinh ở trường Tiểu học Nguyễn Du, thân thế và sự nghiệp của ông được các em biết ngắn gọn như thế cũng đủ để tự hào mình là học sinh mang tên trường của đại thi hào.
Tiếp đó, điều làm tôi trân trọng về “tiên học lễ, hậu học văn” ở trường này là bàn thờ của Nguyễn Du được đặt trang trọng và ấm cúng ở phòng truyền thống. Trường Nguyễn Du được thành lập năm 1997, đó là năm trường chính thức mang tên này, trước đó trường có các tên: Nam Châu Thành, Phú Cường 2. Trường hiện có 60 giáo viên, 30 lớp học với 1.023 học sinh. Hàng năm, trường có 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học. Trường Nguyễn Du đã đạt chuẩn quốc gia và đang làm hồ sơ để tái công nhận. Trường đã được nhiều bằng khen của UBND tỉnh và giấy khen của Sở Giáo dục - Đào tạo, vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng nhì năm 2002 và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2012.
Cô Thanh Tâm cho biết, tự hào là ngôi trường mang tên Nguyễn Du nên tập thể giáo viên, học sinh luôn nhắc nhở nhau dạy và học tốt. Các buổi chào cờ, sinh hoạt chung ở sân trường cũng là những buổi giáo dục truyền thống cho học sinh. Nhận thức được giáo dục là quốc sách hàng đầu, là yếu tố quyết định sự thành công trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương. Cùng với sự quan tâm ủng hộ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, tập thể giáo viên của trường đã vươn lên khẳng định là một trong những đơn vị giáo dục bậc tiểu học có uy tín về chất lượng giáo dục - đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia niên học 2008-2009. Ban giám hiệu nhà trường luôn có kế hoạch quy hoạch đào tạo đội ngũ kế cận hàng năm và lâu dài theo sự chỉ đạo của ngành, thường xuyên cử cán bộ, giáo viên đi học để đạt trên chuẩn. Với phương châm “chất lượng giáo dục của học trò là hàng đầu”, chất lượng học tập của học sinh những năm qua luôn được đánh giá cao.
Nói về truyền thống của trường, thầy Nguyễn Ngọc Thụy, giáo viên lớp 4/4 cho biết, thầy là một trong những giáo viên lâu năm công tác tại trường Nguyễn Du. Tính đến nay, thầy đã có 28 năm dạy ở đây nên rất gắn bó với ngôi trường. Theo thầy Thụy, đây là ngôi trường có truyền thống đoàn kết, giáo viên biết tương trợ lẫn nhau. Trường có truyền thống dạy tốt, học tốt nên phụ huynh rất tin tưởng khi có con em học ở đây. Những ngày lễ, tết, thầy trò cùng nhau thắp nhang lên bàn thờ đại thi hào Nguyễn Du và thầm hứa sẽ cố gắng hơn nữa để trở thành người hữu ích cho xã hội, xứng đáng với thanh danh nhà thơ lớn của dân tộc.
Có lẽ, chính sự nghiêm cẩn trong giáo dục lễ nghĩa ở ngôi trường này nên các em học sinh rất lễ phép. Hầu hết các em mà tôi gặp ở hành lang, sân trường đều khoanh tay “con chào cô” khi tôi đi qua. Chia tay với thầy trò ở trường Nguyễn Du, tôi thầm nghĩ, thật tự hào khi được dạy và học ở ngôi trường này…
QUỲNH NHƯ