Liên kết chặt hơn để phát triển ngành hoa lan

Cập nhật: 24-08-2017 | 09:53:40

Để giải quyết những hạn chế trong sản xuất, tiêu thụ, chất lượng giống… đòi hỏi tính liên kết trong mô hình kinh tế hợp tác phát triển cây hoa lan phải chặt chẽ hơn. Xuất phát từ thực tế đó, Dự án “Xây dựng mô hình hợp tác sản xuất của các hộ trồng hoa lan trên địa bàn tỉnh” đã được UBND tỉnh phê duyệt nhằm góp phần phát triển ngành sản xuất hoa lan một cách hiệu quả và bền vững.

Hỗ trợ tích cực nông dân trồng lan

Dự án “Xây dựng mô hình hợp tác sản xuất của các hộ trồng hoa lan trên địa bàn tỉnh” được triển khai với mục tiêu xây dựng mô hình hợp tác trong sản xuất hoa lan, góp phần phát triển ngành sản xuất hoa lan một cách hiệu quả và bền vững, từ đó làm cơ sở nhân rộng mô hình hợp tác sản xuất thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Ngay sau khi có Quyết định số 687/QĐ-UBND của UBND tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tiến hành thực hiện các nội dung của dự án, cụ thể là củng cố Câu lạc bộ (CLB) Trang trại hoa lan Bình Dương; đăng ký nhãn hiệu hàng hóa Hoa lan Bình Dương; xây dựng mô hình trình diễn chuyển giao công nghệ tưới phun sương bán tự động… cho các hộ trồng lan để nâng cao chất lượng sản phẩm hoa lan của Bình Dương.

Ông Bùi Văn Sang (ở phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một), hội viên CLB Trang trại hoa lan Bình Dương cho biết, gia đình ông được chọn là một trong những điểm trình diễn mô hình hoa lan giống mới Fullmoon, Chao Praya Classic Bangkhutien… 20 tháng sau khi trồng, tỷ lệ cây lan sống đạt 96%, cây sinh trưởng phát triển tốt. Giống lan mới này, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ, rất được thị trường ưa chuộng, siêng bông, thích nghi với điều kiện khí hậu ở địa phương.

Theo ông Tôn Thất Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thực hiện dự án đã làm thay đổi mối liên kết hợp tác của hội viên CLB Trang trại hoa lan Bình Dương. Từ quan hệ liên kết đơn giản với nhau vì cùng sở thích trồng lan thì nay các hội viên đã có sự chuyển biến tích cực; đã nhận thức rõ việc hợp tác trong sản xuất kinh doanh là cần thiết và tầm quan trọng của kinh tế tập thể để cùng phát triển bền vững. Trong quá trình thực hiện dự án, các mô hình trình diễn đã có sự lan tỏa, nhân rộng, hầu hết các vườn lan của hội viên CLB sản xuất ngày càng hiệu quả so với trước đây và đạt mục tiêu của dự án đề ra.

Tạo đầu ra ổn định

Ông Lê Văn Đạt, Chủ nhiệm CLB Trang trại hoa lan Bình Dương cho biết, trước đây sản phẩm hoa lan do nông dân làm ra tiêu thụ chủ yếu bằng phương thức bán lẻ; sản phẩm hoa lan của Bình Dương lại chịu sự cạnh tranh rất lớn từ hoa lan trồng ở Hóc Môn, Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh)…, dẫn đến hàng hóa dư thừa gây thiệt hại cho người sản xuất. Bên cạnh đó, giá cả sản phẩm hoa lan phụ thuộc nhiều vào các mùa lễ hội; quy mô sản phẩm của từng hộ lại tương đối nhỏ, giao dịch riêng lẻ, chủng loại sản phẩm đơn điệu nên khó đáp ứng các hợp đồng về đầu ra cho sản phẩm. Nếu tập trung sản phẩm của nhiều hộ với quy mô lớn, chủng loại phong phú, người trồng lan sẽ chủ động và có lợi thế trong việc ký kết các hợp đồng cung ứng sản phẩm, từ đó tạo đầu ra ổn định, đúng thời điểm sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Các thành viên CLB Trang trại hoa lan Bình Dương đang trao đổi kinh nghiệm chăm sóc hoa lan  Ảnh: QUỲNH NHIÊN 

Xuất phát từ nhu cầu hợp tác tiêu thụ sản phẩm để giải quyết đầu ra cho sản phẩm hoa lan một cách ổn định và bền vững, đơn vị thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình hợp tác sản xuất của các hộ trồng hoa lan trên địa bàn tỉnh” đã xây dựng phương án tổ chức bộ phận kinh doanh sản phẩm, hoạt động độc lập về tài chính, đồng thời chiụ sự kiểm soát và có chức năng giải quyết nhiệm vụ tiêu thụ sản phẩm hoa lan. Theo đó, bộ phận kinh doanh sẽ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm đơn hàng tiêu thụ sản phẩm, thực hiện thu mua sản phẩm tận nơi, tổ chức phân loại, bảo quản và tạm trữ sản phẩm, tổ chức giao hàng cho đơn vị thu mua đúng thời gian, địa điểm theo điều khoản hợp đồng đã ký kết.

Bộ phận kinh doanh trực thuộc quản lý của CLB Trang trại hoa lan Bình Dương hiện nay do Hợp tác xã Sản xuất - thương mại - dịch vụ hoa lan Đất Thủ đảm nhiệm. Trong thời gian qua, hợp tác xã đã hợp đồng với 2 công ty là Thanh Phong và Lộc Phát thu mua toàn bộ sản phẩm hoa lan của hội viên CLB đăng ký bán cho hợp tác xã. Doanh thu trong 2 năm 2015 và 2016 đạt khoảng 3 tỷ đồng.

Thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình hợp tác sản xuất của các hộ trồng hoa lan trên địa bàn tỉnh”, trong giai đoạn 2014-2016 Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp tổ chức 6 lớp tập huấn chuyên đề để nâng cao nhận thức và kiến thức cho hội viên CLB Trang trại hoa lan Bình Dương về lĩnh vực kinh tế tập thể. Qua lớp tập huấn giúp các hội viên nâng cao trình độ và nhận thức về hợp tác xã kiểu mới, hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình hơn.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn phối hợp tổ chức 3 hội thảo chuyên đề về tình hình sản xuất kinh doanh hoa lan trên địa bàn tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh; nhu cầu tiêu thụ lan nội địa, xuất khẩu, giống các loại lan trên thị trường tiềm năng; những giải pháp giải quyết khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hoa lan… Qua đó giúp hội viên có cái nhìn tổng thể bối cảnh sản xuất và kinh doanh hoa lan hiện nay để họ có những định hướng phát triển trong tương lai...

Đến nay, đơn vị thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình hợp tác sản xuất của các hộ trồng hoa lan trên địa bàn tỉnh” đã xây dựng, thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể Hoa lan Bình Dương cho người trồng lan nhằm nâng cao giá trị thương hiệu, bảo đảm việc xúc tiến thương mại có hiệu quả. Đặc biệt, ngày 19-4-2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể Hoa lan Đất Thủ.

 QUỲNH NHIÊN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2400
Quay lên trên