Liên kết vùng: Tạo đà cho kinh tế phát triển

Cập nhật: 08-06-2015 | 08:27:37

Thực hiện Kết luận số 27-KL/TW ngày 2-8- 2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/ TW ngày 29-8-2005 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 (Nghị quyết 53 của Bộ Chính trị), trong giai đoạn 2005-2015, Bình Dương đã đạt được những kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội.

 Thực hiện Nghị quyết 53 của Bộ Chính trị, Bình Dương đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất xe máy tại Nhà máy KIMCO, Khu công nghiệp Đại Đăng, TP.Thủ Dầu Một .Ảnh: P.LÊ

 Đạt kết quả khá toàn diện

Trong giai đoạn 2005-2015, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Các tỉnh, thành phố trong vùng đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, vượt trội so mức bình quân chung của cả nước.

Đối với Bình Dương, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân 13,5%/năm; cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; giá trị sản xuất công nghiệp ước đến năm 2015 đạt 216.598 tỷ đồng, gấp 5,1 lần so với năm 2005. Đến nay, tỉnh có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 9.425 ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích gần 600 ha. Kim ngạch xuất khẩu đạt 110,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 21%/năm...

Ông Võ Văn Cư, Giám đốc Sở Công thương cho biết, trong thời gian qua Bình Dương đã tập trung đầu tư phát triển dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tính đột phá, qua đó tạo điều kiện để khu vực dịch vụ tăng trưởng nhanh và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Về giá trị dịch vụ tăng bình quân 22,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 29,4%/năm trong giai đoạn 2005-2015.

Bên cạnh đó, Bình Dương đã tăng cường phát triển du lịch dựa trên việc đầu tư, xây dựng và khai thác có hiệu quả những lợi thế về địa lý, tiềm năng du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Bình Dương với TP.HCM, các tỉnh miền Đông Nam bộ để hình thành những sản phẩm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho du khách và nhân dân trong tỉnh. Tỉnh cũng sớm đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch và hình thức xúc tiến, quảng bá du lịch góp phần nâng cao hình ảnh tỉnh nhà.

Về lĩnh vực nông nghiệp, theo ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, tỉnh đã tập trung phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng và bảo đảm tỷ trọng của ngành trong cơ cấu kinh tế phù hợp với định hướng. Nông nghiệp của tỉnh đã duy trì tăng trưởng bình quân 4,7%/năm.

Phát triển hạ tầng

Từ năm 2005 đến nay, Bình Dương đã thực hiện công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch gắn với phát triển kinh tế. Đến nay, tỉnh đã tiến hành lập và phê duyệt 191 quy hoạch các loại. Công tác quy hoạch được tỉnh thực hiện theo hướng kết nối giữa các đô thị vệ tinh và đô thị trung tâm của tỉnh với các đô thị trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, qua đó tạo sự liên kết về sản xuất, thương mại, đầu tư, nguồn nhân lực; nâng cao trình độ dân trí và đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của tỉnh. Tỉnh cũng đã gắn mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ, cải thiện môi trường và quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Trong công tác xây dựng quy hoạch trên địa bàn, tỉnh luôn tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ... nhằm bảo đảm cho các quy hoạch của tỉnh phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, các quy hoạch của bộ, ngành Trung ương.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây, ông Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá sự phát triển công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật của Bình Dương đã góp phần lan tỏa, kết nối giữa các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền Đông Nam bộ và đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Đến nay, nhiều công trình hạ tầng quan trọng trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đô thị của tỉnh; đồng thời cơ bản kết nối với các trung tâm phát triển trong tỉnh và kết nối hệ thống kết cấu hạ tầng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như công trình đường Mỹ Phước - Tân Vạn (đoạn qua TP.Thủ Dầu Một và TX.Thuận An); đường vào Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh; đường ĐT744...

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua tỉnh đã đa dạng hóa nguồn lực và phương thức đầu tư phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng giao thông bảo đảm đồng bộ liên hoàn; đồng thời ưu tiên kết nối giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với các đường huyện, hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh cũng đã tập trung xây dựng các trục giao thông nội bộ theo hướng bảo đảm liên kết giữa các khu vực trong tỉnh với trung tâm Thành phố mới Bình Dương, các trung tâm huyện, thị, thành phố, khu dân cư, khu công nghiệp như đường Phạm Ngọc Thạch, đường Huỳnh Văn Lũy...

Về hệ thống đường dây tải điện, trạm biến áp, tỉnh đã quan tâm đầu tư cải tạo, xây dựng mới bảo đảm chất lượng điện phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Theo Điện lực Bình Dương, tổng công suất trạm nguồn điện đến 2015 đạt 2.179 MVA; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,97. Tỉnh cũng đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, nước cho công nghiệp tại các khu đô thị, khu công nghiệp. Đến nay, tỉnh đã đưa vào sử dụng 28 nhà máy nước, tổng công suất cấp nước đạt 329.500m3/ngày, dân số thành thị sử dụng nước sạch đạt 99%. Riêng các dự án thoát nước được tỉnh quan tâm đầu tư thực hiện ở khu vực đô thị và vùng ven, qua đó từng bước khắc phục tình trạng ngập cục bộ và ngập úng ở các vùng trũng. Bên cạnh đó, tỉnh còn đầu tư xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt ở TP.Thủ Dầu Một và TX.Thuận An.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo được tỉnh tập trung triển khai gắn với thực hiện quy hoạch và Chương trình phát triển nhân lực tỉnh. Theo đó, tỉnh chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và củng cố đội ngũ giáo viên, nhờ đó cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Hiện toàn tỉnh có 516 trường học, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia là 65%. Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp phát triển nhanh về quy mô không chỉ đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh mà còn cả ngoài tỉnh.

Đối với lĩnh vực y tế, hiện nay tỉnh đang triển khai đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh 1.500 giường và Bệnh viện chuyên khoa lao, phổi... Tỉnh hiện có 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 9 trung tâm y tế tuyến huyện, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Nghị quyết 53 của Bộ Chính trị đã được Bình Dương tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tạo động lực sớm đưa tỉnh trở thành đô thị loại I, trực thuộc Trung ương trước năm 2020.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=718
Quay lên trên