Lò lu Đại Hưng (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một) được xem là một trong những lò gốm tồn tại lâu năm nhất tỉnh với trên 150 năm tuổi. Theo những người dân sống lâu năm ở đây, cái tên “lò lu” có nguồn gốc từ chỗ lò chuyên sản xuất các loại lu, khạp, hũ... phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp và đời sống hàng ngày của người dân.
Các loại lu, khạp là sản phẩm chủ yếu của Lò lu Đại Hưng. Ảnh: VIỆT KHÁNH
Dù đã trải qua những thời điểm khó khăn tưởng chừng như không thể trụ nổi nhưng hiện nay, Lò lu Đại Hưng vẫn tồn tại và vẫn giữ cách thức sản xuất gốm thủ công truyền thống (không sử dụng máy móc, kỹ thuật hiện đại, trừ khâu làm đất), chủ yếu tạo sản phẩm theo cách thủ công. Sản phẩm của lò lu này có màu sắc cổ điển; nguyên vật liệu được khai thác tại địa phương và sử dụng chất đốt bằng củi.
Hai mặt hàng chủ yếu của Lò lu Đại Hưng là lu và khạp. Loại lu lớn nhất có thể chứa đến 220 lít nước với hoa văn trang trí thường là hình các con rồng, phượng đắp nổi; khạp nhỏ hơn lu và có màu chủ đạo là màu da bò, da lươn. Trung bình mỗi ngày, Lò lu Đại Hưng xuất xưởng khoảng 300 sản phẩm các loại, được tiêu thụ khắp nơi trong nước và xuất khẩu sang thị trường Campuchia.
Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, Lò lu Đại Hưng đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh vào tháng 10-2006. Người có công giữ gìn lò lu, bảo tồn và phát triển nghề là ông Bùi Văn Giang, người chủ thứ 5 với 25 năm gắn bó, quản lý cơ sở gốm truyền thống này.
Tuy thu nhập không cao (khoảng 80.000 đồng/ngày) nhưng những người thợ làm việc ở Lò lu Đại Hưng vẫn một lòng gắn bó với nghề. Có thể nói, trong điều kiện khoa học - kỹ thuật phát triển mạnh như hiện nay, việc Lò lu Đại Hưng vẫn duy trì được cách làm thủ công truyền thống, tạo được thu nhập ổn định cho những người thợ yêu nghề và gìn giữ nghề truyền thống của Bình Dương là rất đáng trân trọng.
VIỆT KHÁNH