Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra trên thị trường không chỉ gây bức xúc trong dư luận, mà bản thân người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất chân chính cũng bị thiệt hại nặng nề. Thế nhưng, do tâm lý ngại lên tiếng của nhiều doanh nghiệp; trong khi đó các văn bản hướng dẫn luật chồng chéo, lực lượng kiểm tra lại mỏng khiến công tác chống hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh thời gian qua gặp nhiều khó khăn.
Lực lượng chức năng của tỉnh xử lý một vụ việc hàng giả, hàng nhái. Ảnh: THANH HỒNG
Hàng giả, nhái ngày càng tinh vi
Số liệu từ Cục Quản lý thị trường (QLTT - Bộ Công thương) cho biết, 4 tháng đầu năm nay lực lượng liên ngành chống hàng gian, hàng giả và gian lận thương mại đã bắt giữ hơn 63.642 vụ vi phạm, xử phạt và truy thu thuế cho Nhà nước hơn 5.137 tỷ đồng. Riêng tại Bình Dương, 5 tháng qua số vụ việc vi phạm trong lĩnh vực thương mại bị bắt giữ lên tới 1.255 vụ. Điều đáng nói là hiện nay, hàng giả được làm rất tinh vi khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt.
Một chuyên viên kỹ thuật chống hàng gian, hàng giả của Công ty TNHH Hoa Thiên Phú (TX.Bến Cát) cho biết, hàng giả và hàng thật ngày càng khó phân biệt. Chính các chuyên gia kỹ thuật của công ty còn khó nhận biết dấu hiệu thật - giả, phải kết hợp rất nhiều yếu tố, nhiều chi tiết mới có thể xác định được thật - giả. Hàng nhái thì biến hóa khôn lường, công ty vừa báo cáo cơ quan chức năng mẫu mã A bị làm giả tháng trước thì tháng sau lại xuất hiện mẫu khác, được chỉnh sửa một chút và tiếp tục gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Xử lý còn gặp khó
Phát hiện, bắt giữ các vụ việc vi phạm trong thương mại đã khó, xử lý càng khó hơn rất nhiều. Đó là nhận định của các lực lượng chức năng trong việc thanh, kiểm tra QLTT. Đại diện Cục Hải quan Bình Dương cho biết, dù việc phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại đang được phối hợp tốt nhưng số vụ vi phạm bị khởi tố còn ít. Trong khi đó, việc sửa đổi bổ sung các văn bản, quy định của pháp luật về lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho phù hợp còn chậm so với yêu cầu, chưa tháo gỡ được những khó khăn thực tiễn. Chẳng hạn, quy định về việc tịch thu phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm, nhưng trên thực tế việc tịch thu phương tiện lại không thực hiện được do các đối tượng chủ xe thường vận chuyển thuê, không phải chủ hàng, không cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu…
Theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh, hiện nay, chỉ một hành vi vi phạm nhưng có thể được giải thích và xử lý khác nhau bởi những văn bản quy phạm pháp luật khác nhau từ các bộ, ngành khác nhau. Chính vì vậy, hệ thống pháp luật điều chỉnh liên quan đến hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang trong tình trạng chồng chéo, trùng lắp và chậm sửa đổi. Khó khăn tiếp theo trong quá trình xử lý (hậu bắt giữ) chính là việc xác minh, giám định để kết luận hành vi vi phạm. Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc cần thiết phải trưng cầu giám định từ Viện Khoa học sở hữu trí tuệ hoặc xin ý kiến chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, thời gian trả lời của ngành chức năng đôi lúc chậm trễ và có cả trường hợp không trả lời từ cơ quan chuyên môn. Điều đáng nói nữa là, có một trường hợp được hai cơ quan khẳng định là vi phạm nhưng cơ quan chuyên môn khác lại có ý kiến “không vi phạm”, gây bối rối cho các cơ quan thực thi.
Ông Danh cũng nêu một thực tế, dù buôn lậu đang diễn ra phức tạp như hiện nay song nhiều doanh nghiệp tỏ thái độ ngại đấu tố khi thấy sản phẩm của mình bị làm giả, ngang nhiên trôi nổi trên thị trường vì sợ ảnh hưởng đến sản phẩm của mình. Một khó khăn khác trong quá trình xử lý các vụ việc vi phạm xuất phát từ chính kiến thức, trình độ chuyên môn về hàng giả, sở hữu trí tuệ của những người thực thi nhiệm vụ. Hiện nay, lực lượng này của tỉnh còn mỏng lại kiêm nhiệm nên chưa thể đáp ứng yêu cầu công việc.
Sớm giải quyết những bất cập
Trong thời gian tới, để công tác chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả cao hơn, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan về hàng giả, sở hữu trí tuệ, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lắp. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cần quan tâm đào tạo kiến thức chuyên môn và trang bị công cụ kỹ thuật chống hàng giả cho những người làm công tác chống hàng giả; đồng thời huy động sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp với ý thức xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng và địa phương tăng cường tuyên truyền về công tác chống hàng giả, kỹ năng phân biệt hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng.
Thiết nghĩ, bên cạnh những giải pháp nói trên, để công tác chống hàng giả, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả cao, điều quan trọng chính là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị; sự liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng và truyền thông.
TRÚC HUỲNH